Công tác quản lý, kiểm tra việc kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng còn gặp nhiều khó khăn
Theo báo cáo của BCĐ 389 một số địa phương, với đặc điểm hàng hóa thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm là gọn nhẹ về khối lượng, trọng lượng, có giá trị và lợi nhuận cao, được sản xuất trên dây truyền công nghệ hiện đại, dễ dàng thực hiện các thủ đoạn, phương thức đối phó với các cơ quan chức năng nên thuận tiện cho các hoạt động vận chuyển, kinh doanh bất hợp pháp, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra, giám định, xử lý của cơ quan chức năng.
Mặt khác, theo BCĐ 389 tỉnh Lạng Sơn, các mặt hàng này luôn luôn có nhu cầu tiêu thụ lớn, mang lại lợi nhuận lớn dẫn đến việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả vẫn diễn ra trên thị trường nội địa. Vẫn còn tồn tại nhiều đối tượng lợi dụng những chính sách thông thoáng trong quy trình thủ tục hải quan, các doanh nghiệp đã vận chuyển hàng hóa nhập khẩu không có chứng từ hợp pháp trong địa bàn hải quan để nhập lậu hàng hóa là nguyên liệu thuốc bắc qua địa bàn. Công tác kiểm nghiệm, giám định, xác định nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường còn hạn chế.
Còn theo các lực lượng chức năng của tỉnh Đồng Nai, qua kiểm tra thực tế cho thấy, các sản phẩm mỹ phẩm không nguồn gốc, xuất xứ, do một số cá nhân tự pha chế đóng gói (kem trộn), các sản phẩm này được mua bán chủ yếu trên mạng xã hội và tại một số tiệm gội đầu, tiệm spa, nên công tác quản lý, kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Việc kinh doanh hàng hóa khi bị phát hiện đối với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ số lượng ít, nhưng mức phạt lại cao nên việc thực thi Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đòi hỏi nhiều lần đôn đốc và chấp hành quyết định xử lý chậm. Các thông tin của các sản phẩm chính hãng để phân biệt hàng thật, hàng giả để phục vụ trong công tác kiểm tra còn nhiều hạn chế, chưa có đầu mối các doanh nghiệp sản xuất lưu thông trên thị trường cung cấp. Việc mua bán bằng hình thức cung cấp, phân phối cho người tiêu dùng qua mạng khó nắm thông tin cụ thể để kiểm tra, giám sát. Do đó, hình thức kinh doanh này chưa được quản lý chặt, còn buông lỏng.
Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu BCĐ 389 Bà Rịa Vũng Tàu, theo báo cáo của Cơ quan Thường trực BCĐ 389 tỉnh này, một trong những khó khăn để ngăn chặn việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... chính là ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người dân chưa cao, qua đó việc thực hiện các quy định của pháp luật gặp nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm tuy đã được quan tâm nhưng vì nguồn kinh phí còn hạn chế nên chưa được tiến hành thường xuyên và rộng rãi trong nhân dân.
Nguyên nhân của những tồn tại trên một phần là do công tác tuyên truyền về lĩnh vực bảo vệ sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp và các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ liên quan lâu nay thực hiện chưa đồng bộ, chưa thiết thực dẫn đến nhận thức của người tiêu dùng còn nhiều hạn chế. Công tác quản lý của cơ quan chức năng về một số loại hình kinh doanh như bán hàng đa cấp, thương mại điện tử đối với các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm chưa được chặt chẽ; cơ chế kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, đo lường, ghi nhãn hàng hóa, công tác giám định của cơ quan chức năng còn chồng chéo, chưa theo kịp xu thế phát triển của thị trường.
Cùng với đó, khả năng xác định, nhận biết nhanh về hàng hóa dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là hàng giả còn nhiều hạn chế, lực lượng thực hiện chức năng kiểm soát chống buôn lậu còn mỏng nên chưa thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Đồng thời, các văn bản pháp lý về quản lý chất lượng thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền còn chồng chéo, thiếu thống nhất; các mặt hàng lưu hành trên thị trường với rất nhiều chủng loại, nhiều thành phần trong khi trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chưa đáp ứng được công tác kiểm nghiệm, giám sát các chỉ tiêu chất lượng.
PV