Ngăn chặn và xử lý kịp thời

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, nâng cao nhận thức của cộng đồng và người dân về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Cần kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ, sử dụng lòng, bờ, bãi sông và bờ biển, đặc biệt là việc xây dựng nhà ở và công trình ven sông, trên sông.

Các địa phương cũng cần cắm biển cảnh báo sạt lở và tổ chức di dời các hộ dân đang sinh sống tại những khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn.

Một công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê điều tại Quảng Bình chưa được xử lý dứt điểm.
Một công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê điều tại Quảng Bình chưa được xử lý dứt điểm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành và địa phương kiểm soát, ngăn ngừa các hoạt động sinh kế làm suy thoái rừng ngập mặn ven biển.

Cần kiểm tra, rà soát, phân loại các khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển, sắp xếp thứ tự ưu tiên, tham mưu và đề xuất giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện.

Ngoài ra, cần rà soát hộ dân đang sinh sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở để bổ sung vào Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các sở, ngành liên quan cần phối hợp kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông và khu vực ven biển, ngăn chặn khai thác cát, sỏi trái phép.

Cần tham mưu bố trí, lồng ghép nguồn vốn đầu tư trung hạn, hàng năm, huy động nguồn vốn khác để tập trung xử lý khẩn cấp các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Việc xây dựng công trình chỉnh trị sông nhằm ổn định dòng chảy, hình thái sông, bờ sông và bờ biển tại các khu vực trọng điểm cũng cần được đẩy mạnh.

Việc triển khai Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển không chỉ giúp bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Bình.

Xử lý chưa nghiêm

Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực đê điều, thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý đê điều trên địa bàn. Tuy nhiên, việc thực hiện pháp luật về đê điều tại một số địa phương chưa nghiêm.

Cần kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ, sử dụng lòng, bờ, bãi sông và bờ biển, đặc biệt là việc xây dựng nhà ở và công trình ven sông, trên sông.
Quảng Bình yêu cầu các địa phương cần kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ, sử dụng lòng, bờ, bãi sông và bờ biển, đặc biệt là việc xây dựng nhà ở và công trình ven sông, trên sông. (Ảnh: Một số công trình xây dựng ven sông tại Thị xã Ba Đồn)

Cụ thể, việc xử lý các trường hợp vi phạm đê điều đã được liệt kê, có kết luận thanh tra còn chậm. Điều này thể hiện rõ qua việc trong 38 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đê điều tại Kết luận thanh tra số 2092/KL-SNN, ngày 9/9/2020 của Sở NN-PTNT đến nay vẫn còn 29 trường hợp chưa được xử lý (Quảng Ninh 14 trường hợp, TX. Ba Đồn 9 trường hợp, Quảng Trạch 4 trường hợp; Bố Trạch 2 trường hợp).

Nhiều địa phương chưa có biện pháp ngăn chặn xử lý kịp thời các vụ vi phạm phạm vi bảo vệ đê điều dẫn đến một số hoạt động liên quan đến đê điều chưa được cấp phép. Tình trạng tập kết vật tư, vật liệu, cơi nới, xây dựng công trình trái phép còn diễn ra...

Các hoạt động này đã gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của các tuyến sông có đê.

Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ; thường xuyên kiểm tra phát hiện sớm, ngăn chặn, lập biên bản trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Rà soát lập danh sách trường hợp vi phạm, kiến nghị, phối hợp ngay với chính quyền địa phương để xử lý kịp thời.

Lê Quyết