Tỉnh Quảng Bình hiện có hệ thống nhà hàng nổi dạng bè kinh doanh phục vụ ăn uống với số lượng 16 chiếc. Các phương tiện này, được Chi Cục Đăng kiểm số 13 (Cục Đăng kiểm Việt Nam) quản lý kỹ thuật, cấp hồ sơ đăng kiểm.

Theo Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004, Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, các loại phương tiện này không thuộc diện phải đăng ký, đăng kiểm.

Chính vì không thuộc diện quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam nên UBND tỉnh Quảng Bình đã ra Quyết định 28/2014/QĐ-UBND ngày 26/11/2014 quy định quản lý nhà hàng nổi dạng bè kinh doanh phục vụ ăn uống.

Tiếp đó, đến năm 2017, tỉnh này tiếp tục ra thêm một quyết định để quản lý loại hình kinh doanh nói trên.

Sau khi UBND tỉnh Quảng Bình ban hành 2 quyết định trên, phía Sở GTVT tỉnh này cũng đã ra công văn phản hồi về nội dung của 2 quyết định.

 Quảng Bình: Khó khăn trong việc quản lý các nhà hàng nổi dạng bè - Hình 1

Một nhà hàng nổi tại Quảng Bình

Tại nội dung Công văn 253/SGTVT-QLVT, do ông Phạm Quang Hải – Giám đốc Sở GTVT ký cho rằng, 2 quyết định của UBND tỉnh Quảng Bình quy định quản lý các nhà hàng nổi là không phù hợp với Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004.

Theo tìm hiểu của PV, Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 và Luật Giao thông đường thủy nội địa được sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định điều kiện hoạt động của các phương tiện thô sơ, nhưng chỉ giới hạn các phương tiện có trọng tải dưới 1 tấn và sức chở dưới 5 người hoặc bè.

Nếu đối chiếu theo quy định trên thì các nhà hàng nổi dạng bè tại Quảng Bình không thuộc diện điều chỉnh theo quy định này. Như vậy, nhà hàng nổi dạng bè không phải là bè, cũng không thuộc diện phải đăng ký.

Theo một cán bộ Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT tỉnh Quảng Bình), việc lúng túng trong quản lý các phương tiện dưới hình thức nhà hàng nổi dạng bè, không chỉ có ở địa phương này, mà còn là thực trạng chung của cả nước. Bởi lẽ, nhà hàng nổi dạng bè không phải là bè, không thuộc diện phải đăng ký. Pháp luật chưa có quy định cụ thể về quản lý đối với loại phương tiện này.

Theo cán bộ này, để dễ dàng quản lý, điều đầu tiên đó là cần phải thống nhất về tên gọi của phương tiện này, được quy định cụ thể trong Luật Giao thông đường thủy nội địa. Quy định trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan. Tránh trường hợp khi xảy ra sự việc đáng tiếc, các bên lúng túng giải quyết sự cố.

Trên thực tế, nếu không có quy định quản lý đối với các loại phương tiện này thì hoạt động sẽ không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông, nguy hiểm đến tính mạng  và tài sản của người dân.

Đình Duy