Người dân Nam Trà My đã bán 200kg sâm Ngọc Linh thu về 12,5 tỷ đồng trong 5 ngày.
Tại Phiên chợ sâm Ngọc Linh do UBND H. Nam Trà My tổ chức lần thứ 2,
Mới đây, tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam)-Thủ phủ của sâm Ngọc Linh, bà Nguyễn Thị Lan Anh (1981, trú xã Trà Linh, H. Nam Trà My, Quảng Nam) mua 13,2kg củ và 6,1kg thân lá sâm Ngọc Linh của một người đàn ông ở tỉnh Kon Tum về bán. Sau đó, lên mạng xã hội rao bán và liên lạc trực tiếp cho các hộ kinh doanh sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My. Tuy nhiên, khi một số người đến hỏi mua thì phát hiện đó không phải sâm Ngọc Linh, nên điện báo Công an huyện Nam Trà My làm rõ. Cơ quan Công an xác định số củ, thân lá mà rao bán là củ tam thất Vũ Điệp (hay còn gọi là sâm Lai Châu).
Ngày 15.12, Công an huyện Nam Trà My cho biết, đang điều tra làm rõ vụ việc. Qua vụ việc này đã gây tâm lý lo lắng đối với người tiêu dùng hay sử dụng loại thảo dược cao cấp này.
Sâm Ngọc Linh
Theo các công ty chuyên trồng sân Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum cho biết, ở Việt Nam hiện có nhiều dòng cây có củ rất giống với sâm Ngọc Linh như củ cây tam thất Vũ Điệp (còn gọi là sâm Lai Châu)... Trong đó củ cây tam thất Vũ Điệp rất giống sâm Ngọc Linh hơn 90%, nếu quan sát bằng mắt thường, hoặc không rành sẽ rất khó phát hiện được đâu là sâm Ngọc Linh, đâu là sâm Lai Châu. Nếu người tiêu dùng mua phải loại này tuy không độc hại, nhưng giá trị chất lượng không cao so với sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My hay ở Kon Tum, trong khi giá thành chênh lệch hàng trăm lần. Do vậy, thời gian gần đây, giới mua bán sâm ở Nam Trà My cũng như tại Kon Tum, thường bàn tán về việc có nhiều thương lái cung cấp sâm Ngọc Linh đã mua sâm Lai Châu về trà trộn để bán.
Mới đây, một số người dân ở xã Trà Mai (huyện Nam Trà My) nghi ngờ về nguồn gốc sâm Ngọc Linh mà một đại lý chuyên cung cấp sâm Ngọc Linh cho cả nước tâm sự với PV TH&CL: "Sâm Ngọc Linh rất quý hiếm nên mới được tôn vinh là Bảo vật quốc gia, thế nhưng, nguồn sâm của cơ sở này hầu như bất tận. Ai cần lúc nào cũng có, ngày nào tôi cũng thấy chị ta gửi vài ký sâm cho khách khắp nơi. Trung bình mỗi tháng chị ta bán cả tạ củ được cho là sâm Ngọc Linh"(!?).
Cũng theo một vị cán bộ huyện Nam Trà My, một ký sâm Ngọc Linh trung bình dao động trên 100 triệu đồng, nếu trong ký đó có vài lạng sâm giả thì coi như người bán đã có lời vài chục triệu trong tay. "Sâm Lai Châu với sâm Ngọc Linh rất giống nhau, mỗi ký sâm Ngọc Linh có giá cả trăm triệu đồng, còn sâm Lai Châu chỉ vài triệu đồng, khi trà trộn giữa hai loại củ sâm này với nhau người tiêu dùng khó mà phát hiện ra"- vị cán bộ này chia sẻ.
Bởi, khó có thể phát hiện bằng mắt thường nên mới đây, sau khi nhận thông tin về trường hợp của bà Nguyễn Thị Lan Anh, bán sâm Ngọc Linh. Thấy giá rẻ, bà H. (trú xã Trà Mai) đến xem và nghi ngờ nguồn gốc số "sâm" trên nên báo cho lực lượng chức năng. "Sau khi nhận được điện thoại của chị Anh, tôi đồng ý mua 5kg sâm loại 10 củ/ký với giá 113 triệu đồng và 3kg sâm loại 20 củ/ký với giá 73 triệu đồng. Hai bên thống nhất nếu tôi kiểm tra đúng là sâm Ngọc Linh thì mới mua và giao tiền. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra nghi ngờ đây không phải là sâm Ngọc Linh nên tôi đã trình báo với cơ quan chức năng"- bà H. kể lại.
Để làm rõ sự việc, Công an huyện Nam Trà My đã lấy mẫu gửi ra Viện Khoa học hình sự (Bộ CA) giám định. Theo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự, các mẫu được giám định là một đơn vị phân loại của sâm Lai Châu, có tên khoa học là Panax vietnamensis var.fuscidiscuc. Như vậy có thể thấy, vì lợi nhuận, các đối tượng dùng mọi thủ đoạn để đánh lừa người tiêu dùng. "Nhiều đối tượng bán một ký sâm có giá hàng trăm triệu đồng nhưng chỉ có vài lạng là sâm Ngọc Linh thật. Lợi nhuận đem lại từ hành vi gian dối trên rất lớn, nên chúng sẵn sàng mua những lạng sâm Ngọc Linh thật với giá rất cao, dẫn đến những người mua bán chân chính khó cạnh tranh, gây lũng đoạn thị trường sâm, cuối cùng đối tượng chịu thiệt nhiều nhất là người tiêu dùng"- chị T, một người chuyên buôn bán sản vật vùng cao chia sẻ.
Vì lợi nhuận đem lại cao nên trong Phiên chợ sâm Ngọc Linh do UBND huyện Nam Trà My tổ chức lần thứ 2, một số chuyên gia trồng sâm Ngọc Linh ở Kon Tum và cán bộ của huyện Nam Trà My đánh giá: Có một vài thương lái đã đem sâm giả trà trộn vào bán, tuy nhiên, sau đó sự việc được phát hiện. "Nếu không có biện pháp ngăn chặn, chế tài xử lý mạnh tay, thì không bao lâu nữa sâm Ngọc Linh chỉ là quá khứ, thay vào đó là sâm Lai Châu hay tam thất Vũ Điệp..."- một số vị chuyên gia trồng sâm trăn trở với PV TH&CL.
Dù được bày bán tràn lan, nhưng việc xử lý của các cơ quan chức năng đối với mặt hàng này vẫn chưa mạnh tay, thiếu quyết liệt, đồng thời gặp vô vàn khó khăn. Bảo vệ sâm Ngọc Linh vẫn là bài toán khó…?
Hoàng Hữu Quyết