Hôm nay 22/11, Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh lần thứ VII năm 2022.
Theo đó, tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm nay có 117 sản phẩm của 67 chủ thể OCOP ở 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, thành phố Hạ Long có nhiều sản phẩm tham gia nhất với 26 hồ sơ, ít nhất là huyện Cô Tô với 02 hồ sơ. Thực hiện quá trình chuyển đổi số chung của tỉnh, năm nay Văn phòng Điều phối NTM tỉnh tiếp tục đưa công nghệ số vào đánh giá, chấm điểm sản phẩm qua phần mềm của Công ty cổ phần giải pháp KYC. Đây là phần mềm được Văn phòng Điều phối NTM Trung ương sử dụng để đánh giá sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia và đang được triển khai ở 12 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 565 sản phẩm thuộc 05 nhóm tham gia Chương trình OCOP; đã có 267 sản phẩm được cấp chứng nhận hạng sao OCOP, trong đó có 193 sản phẩm hạng 3 sao, 68 sản phẩm hạng 4 sao, 03 sản phẩm hạng 5 sao cấp tỉnh; 03 sản phẩm hạng 5 sao cấp Trung ương. Toàn tỉnh có 219 chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP (trong đó có 54 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã, 78 hộ sản xuất).
Đây là năm thứ 7 Quảng Ninh tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Qua đó, tiếp tục xây dựng Chương trình OCOP trở thành chương trình kinh tế quan trọng của tỉnh, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế từ các sản phẩm truyền thống địa phương.
Từ đó, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đạt tiêu chuẩn theo quy định, có kiểu dáng bao bì đẹp, hiện đại, phù hợp, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng để cung ứng sản phẩm cho phát triển dịch vụ, thương mại của tỉnh. Hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, trọng tâm là các sản phẩm chủ lực để vươn ra thị trường trong và ngoài nước, nâng tầm Chương trình OCOP thành thương hiệu mạnh của tỉnh Quảng Ninh trên phạm vi cả nước, từng bước vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.
TT