Khu vực hố khai quật. Ảnh: Hồng Nguyên, Bảo tàng Quảng Ninh.
Khu vực hố khai quật. Ảnh: Hồng Nguyên, Bảo tàng Quảng Ninh.

Trên diện tích khai quật 100m2, đoàn khai quật đã làm phát lộ nhiều dấu tích quan trọng bao gồm: Dấu tích nền kiến trúc gồm có bó nền, nền, vật liệu gia cố nền và các chân tảng sơ bộ xác định sự tồn tại của 3 kiến trúc của hai giai đoạn khác nhau được xây dựng dưới thời Mạc và Lê Trung Hưng. Bậc lên xuống với thành bậc bằng đá, được xếp bằng các tảng đá lớn và 2 thành bậc bằng đá xanh, đã bị vỡ. Bậc lên xuống được xây dựng cuối thời Mạc và được tận dụng lại dưới thời Lê Trung Hưng. Dấu tích bờ kè đá, bờ kè hiện còn dài khoảng 31m, chiều cao từ 1m - 2,5m, được kè bằng đá với mỗi viên đá có kích thước mỗi chiều từ 15 - 30 cm. Xung quanh di tích, đặc biệt là bờ kè đá, đã phát hiện một tỉ lệ nhỏ gạch, ngói thời Trần.

Theo nội dung trong các thác bản văn bia được Viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp thực hiện năm 1935, chùa có tên là Sùng Đức, tên khác là Lân Động, được xây dựng ở núi Hàm Long. Chùa có từ thời Trần, sau đó đổ nát và được xây dựng mới dưới thời Mạc, thời Lê Trung Hưng.

Kết quả khai quật cho thấy, đây là một di tích Phật giáo quan trọng và tồn tại trong khoảng thời gian dài, là cơ sở để xác định tính chất, niên đại của di tích, cung cấp luận cứ khoa học cho việc đề xuất bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đề xuất lập hồ sơ đề nghị xếp hạng, quy hoạch khoanh vùng bảo vệ di tích.

Trần Trang (t/h)