Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung vẫn tồn tại hiện tượng xe ô tô vận tải hành khách nhưng không đăng ký kinh doanh vận tải mà hoạt động dưới hình thức hội nhóm trên các mạng xã hội, đưa đón hành khách tận nơi theo nhu cầu, thu vé trái quy định.
Tình trạng đã tồn tại từ lâu và ngày càng gia tăng do có sự tiện lợi nhất định, nên nhiều người dân lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, loại hình hoạt động vận tải này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT, an ninh trật tự, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng trong lĩnh vực vận tải hành khách.
Ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5.667 phương tiện đăng ký kinh doanh vận tải đường bộ thuộc 1.301 đơn vị, trong đó: 208 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, du lịch với 997 xe; 04 đơn vị kinh doanh vận tải xe buýt, với 135 xe; 28 đơn vị kinh doanh vận tải taxi, với 1.385 xe; 15 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, với 283 xe; 921 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe tải, với 2.362 xe; 87 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe container, với 442 xe; 35 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe đầu kéo với 63 phương tiện. 07 đơn vị kinh doanh vận chuyển khách bằng xe điện thí điểm, với 223 xe điện hoạt động tại các khu vực hạn chế, 351 xe điện hoạt động các đảo, khu tâm linh, cửa khẩu. Ngoài ra, Sở GTVT còn quản lý 13 bến xe khách với 193 tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh và 05 tuyến nội tỉnh; 08 tuyến xe buýt nội tỉnh.
Để tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải, nhiều năm qua, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh luôn bám sát và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ GTVT, UBND tỉnh Quảng Ninh để quản lý hoạt động vận tải trên địa bàn, phục vụ người dân đi lại thuận tiện và an toàn; triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển hoạt động vận tải đường bộ.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, lực lượng Thanh tra Sở đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 1.640 trường hợp, tương ứng với số tiền phạt là 3.814.200.000 đồng, tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn 18 trường hợp. Ngoài ra, từ đầu tháng 06/2023 đến nay, Sở GTVT đã phối hợp với Công an thành phố Hạ Long xử lý 788 trường hợp vi phạm, phạt tiền 2.693.900.000đ (219 taxi, 544 xe khách các loại, 25 xe điện), tạm giữ 17 phương tiện, tước 65 giấy phép lái xe do vi phạm các điều kiện kinh doanh vận tải.
Sở GTVT cũng đã ban hành 8 Quyết định thu hồi 473 phù hiệu thuộc 312 đơn vị vận tải vi phạm điều kiện kinh doanh thông qua trích xuất dữ liệu từ Hệ thống giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam. Phối hợp với Công an các địa phương tập trung kiểm tra, xử lý hoạt động của các phương tiện kinh doanh trái phép (taxi dù, xe tuyến cố định bỏ bến...), xe hợp đồng vi phạm điều kiện kinh doanh…
Cũng theo Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động vận tải cũng thường xuyên được quan tâm, các vi phạm được xử lý nghiêm, tình trạng xe dù, bến cóc đã giảm rõ rệt, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, với nhiều hình thức “lách luật” gây khó khăn trong công tác xác minh, xử lý vi phạm.
Để siết chặt công tác quản lý nhà nước về đăng ký hoạt động của các phương tiện vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục tập trung làm tốt công tác tuyên truyền đối với các chủ phương tiện để thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh vận tải. Kết nối, chia sẻ thông tin các phương tiện kinh doanh vận tải cho các ngành, địa phương để phối hợp công tác quản lý.
Cùng với đó là tăng cường phối hợp chặt chẽ với ngành công an, ngành thuế và các địa phương xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm điều kiện kinh doanh tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để các đơn vị kinh doanh vận tải phát triển…
Trần Trang