Theo thống kê sơ bộ, thị xã Quảng Yên có 38 người bị thương nhẹ; 55 trường học, trụ sở phòng giáo dục bị tốc mái; 19 trạm y tế xã, phường bị hư hỏng nặng; trên 25.000 nhà bị tốc mái (160 hộ cận nghèo, hộ chính sách); 128 nhà bị đổ sập; trên 200 trụ sở cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang bị thiệt hại; trên 16.000 cây xanh, 500 cột điện hạ, trung thế, 2 trạm điện Phong Cốc, Phong Hải bị gãy đổ; trên 800 bè nuôi hàu, hà, trên 1.700 lồng nuôi cá bị thiệt hại; hơn 1.418ha lúa mùa bị ngập đổ, 218,6ha hoa màu bị hư hỏng hoàn toàn; hệ thống điện lưới và mạng lưới viễn thông bị tê liệt; cung cấp nước sinh hoạt bị gián đoạn; hạ tầng các KCN bị hư hại trên diện rộng. Con số thiệt hại vẫn đang tiếp tục được cập nhật.
Xã Sông Khoai là một trong những địa phương chịu thiệt hại lớn. Thống kê sơ bộ, trên địa bàn có 5 người bị thương; 2.266 hộ bị hư hại tài sản, tốc mái (22 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách); thiệt hại ước tính 240 tấn tôm, cá; gia súc, gia cầm bị chết gần 46.000 con; nhiều công trình hạ tầng, trụ sở làm việc, trường học, nhà văn hóa bị hư hỏng cơ sở vật chất. Ông Nguyễn Đức Tặng, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Ngay sau bão, xã thành lập 11 tổ phối hợp với 11 thôn khẩn trương rà soát, thống kê các hộ dân bị thiệt hại về người, tài sản; hệ thống điện, viễn thông, cây xanh gãy đổ và các thiệt hại khác. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã đến từng thôn chỉ đạo các thôn và nhân dân tập trung thu dọn cây xanh đổ gãy trên các tuyến đường trục chính. Đến 16h ngày 8/9 đã đảm bảo giao thông các tuyến đường trên địa bàn. Xã huy động toàn bộ máy móc, thiết bị và nhân lực hỗ trợ các hộ dân khắc phục tạm thời các thiệt hại; hỗ trợ Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập quay cống 5 cửa và cống 2 cửa Sông Khoai khi có thể tháo nước đệm…
Ngay sau khi bão số 3 giảm cường độ, UBND thị xã đã chỉ đạo huy động tổng lực nhân lực, phương tiện, máy móc, thiết bị triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả, thiệt hại do mưa bão. Thị xã thành lập các tổ công tác hỗ trợ các địa phương trọng yếu xử lý, khắc phục hậu quả của bão. Toàn thị xã đã huy động trên 2.000 người thuộc các lực lượng tại chỗ của các phường, xã và đơn vị LLVT cùng trên 100 phương tiện, máy móc tham gia công tác khắc phục hậu quả.
Trong chiều tối 7/9 và đến trước 12h ngày 8/9, thị xã hoàn thành cứu hộ toàn bộ số dân mắc kẹt trên bè NTTS tại khu Hòn Dấu (xã Hoàng Tân). Các đơn vị tập trung lực lượng, phương tiện cần thiết cùng với sự góp sức của người dân khẩn trương dọn dẹp cây cối, cột điện gãy đổ, vật cản trên đường, đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt, ưu tiên các trục đường giao thông chính, các khu vực trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị, trụ sở UBND các phường, xã. Đồng thời tiến hành dọn dẹp rác, khơi thông dòng chảy kênh mương nội đồng, tiêu thoát nước đệm phục vụ sản xuất. Đến nay các tuyến giao thông trên địa bàn cơ bản đã thông suốt.
Trước diễn biến tình hình mức nước hồ Yên Lập lên rất nhanh, UBND thị xã phân công 1 đồng chí lãnh đạo trực tiếp chỉ huy, đặt sở chỉ huy hiện trường tại trụ sở Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập. Thị xã chỉ đạo mở cả 3 cửa xả tràn; thực hiện di dân đối với 18 hộ, 133 người đến nơi tránh, trú an toàn. Hiện mức nước hồ Yên Lập đã về ngưỡng an toàn.
Thị xã thành lập các tổ, đội rà soát trên các tuyến sông, biển nắm bắt tình hình và kịp thời phát hiện các trường hợp người dân đánh bắt, NTTS trên biển bị gặp nạn, bị cô lập, đề xuất giải pháp cứu trợ, cứu nạn; bố trí lực lượng, phương tiện thu dọn lồng bè, mảng, vật liệu nổi NTTS trên sông, biển, nhất là ở các cửa cống tiêu nước và luồng giao thông thủy; tập kết ở các điểm tập trung và xử lý không làm ảnh hưởng đến môi trường chung.
Thị xã Quảng Yên đang tập trung đẩy nhanh tiến độ khắc phục thiệt hại để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh sau bão.
Trần Trang(t/h)