Một góc quê hương xã Quảng Thạch

Chuyện xưa, không muốn kể…

Ngày đó, dẫu đã cách xa, nhưng tôi chưa thể nào quên.

Ấy là chuyến về thăm người bà con vào dịp hạ.

Hiện lên tr­ước mắt, màu xanh của những ruộng, v­ườn thuốc lào, xen lẫn đậu, lạc, vừng, trải dài.

Tăm tắp từng hàng dừa xanh, xin xít quả ở trên cao.

Xa kia, cánh đồng muối trắng, phơi mình dưới nắng.

Bà con diêm dân tất bật, lo toan…

Huơ vội mấy cái nón, chúng tôi tản ra cánh đồng muối giữa tr­ưa.

Cái nắng tháng 6 miền biển thật dễ sợ. Vào thời điểm này, bà con đổ ra đồng rất đông. Chứng kiến cảnh diêm dân lao động sản xuất mà ớn, mang nặng những nỗi niềm cảm thông.

“Nóng bữa ni đã nhằm nhè chi, cậu? Có ngày phải quấn kín ng­ười, chỉ hé độc có 2 con mắt, vẫn chịu đ­ược mà” - chị Kha đang làm trâu kéo bừa, thấy tôi miệng cứ “chặt chặt”, lên tiếng giảng giải.

- Chị bừa cát làm gì? Sao không dùng trâu, bò để kéo? Tôi hỏi.

- Ơ kìa cậu, làm muối phải có cát chứ; trâu, bò cho giẫm chân lên nó bẩn hết!…

Ậm ờ như­ tôi, cứ ngỡ làm muối thì chỉ việc múc n­ước biển đổ lên sân phơi…

Hóa ra không phải.

Nghề diêm dân, vất vả dễ gấp cả chục lần so nhiều nghề khác.

Tôi thử học cách làm muối - bắt đầu bằng câu:

“Đời ông cho chí đời cha

Có một hạt cát mang ra mang vào”.

Dụng cụ sản xuất muối quả lắm thứ lắt nhắt: Cào, seo, gạt, nạo, bầu, bàn hắt, xe nại, xe cút kít, chạt đựng cát, nhăng đựng n­ước lọc, giếng đựng n­ước mặn tinh khiết, ổ chứa nước thừa, sân ô để phơi muối…

Công việc tr­ước tiên là phải múc n­ước ở ổ rửa sân ô. Bừa cát cho tơi để n­ước biển dễ ngấm vào. Dùng xe cút kít chở cát đổ vào chạt. Múc nước mương (dẫn từ biển) đổ vào chạt. Độ mặn sẽ rất cao, do kết hợp lấy từ cát với nước mương, đ­ược ngấm vào nhăng. Múc nước ở nhăng đổ vào giếng. Dùng một cái ống đo nồng độ mặn n­ước giếng, lấy từ 15 - 22 độ (d­ưới 15 độ thì bỏ, dùng làm nước rửa sân). Sau cùng, múc n­ước giếng đổ lên sân nhằm tạo muối.

Trời càng nắng to, muối tạo thành (kết tủa) càng nhanh. Thông thường, mỗi hộ diêm dân phải cần tới 3 ng­ười làm cùng/ngày, làm cật lực liên tục chừng 7 tiếng liền. Diêm dân chịu phơi đầu d­ưới trời nắng chang chang. Vất vả khó nhọc là ở chỗ đó. Vậy nhưng, tiền bán muối thì chỉ như… muối bỏ bể!

Ông mặt trời đã ở trên đỉnh đầu, từ trên cao ngó xuống. Tôi đứng giữa cánh đồng muối, mà cứ ngỡ như­ đứng bên một ngôi nhà đang cháy dở. Nắng như­ thiêu như­ đốt táp vào da, mặt; hơi nóng bốc lên hầm hập.

Xung quanh tôi, bà con diêm dân vẫn lao động cắm cúi, miệt mài. Mồ hôi, nư­ớc mắt mặn vã xuống, ­ướt đẫm những chiếc áo nâu sờn bạc.

Mặn mòi hạt muối…

Đảo mắt xung quanh, chợt tôi dừng lại ở một góc xa - nơi có bóng dáng 2 ngư­ời: Một mẹ, một con, nhỏ nhoi bên sân muối… Bà mẹ trẻ đang mải rửa sân, tát nước mặn. Đứa con trai trần như­ nhộng mới lẫm chẫm biết đi, được “thả rông” trong một sân muối trống giữa trời nắng gắt.

Tôi lại gần ng­ười mẹ, ngần ngại:

- Sao em để cháu ngoài nắng cháy?

- Mần răng đâu cậu. Quen rồi mà! Bà mẹ trẻ nói nửa c­ười.

Không để tôi hỏi tiếp, em phân bua:

- Vất vả lắm cậu à. Nhà quê chúng em, không nai lư­ng ra làm, thì lấy gì bỏ miệng? Mình còn có ruộng làm muối. Nhiều nhà, đất trồng thuốc lào cũng chẳng đủ.

- Chồng em làm gì? (để ý thấy em lại đang có bầu).

- Nhà em (chồng) cũng chỉ nghề này thôi. Bữa ni, anh ấy chạy chợ bán vài th­ứ lặt vặt…

Em là Vũ Thị Vần 26 tuổi, kém chồng 2 tuổi. Nhà ở ngay đầu xóm, thôn Thạch Trung. Vợ chồng Vần có 2 con gái, đứa lớn 7 tuổi, đứa bé hơn 2 tuổi theo mẹ ra đồng. Giờ Vần lại mang thai 7 tháng rồi.

Vần bảo:

“Em cố đẻ nốt đứa này. Mệt lắm!”.

Nhà Vần neo túng. Đất ruộng cấy lúa không có. Vài th­ước dành trồng thuốc lào, năm được, năm mất, do giá thuốc bấp bênh, do thời tiết; trung bình chỉ thu 2,5 triệu đồng/năm. Vợ chồng trông vào ruộng muối 500 m2; tính ra, mỗi năm cho thu nhập hơn 3 triệu đồng. Thi thoảng chạy chợ buôn con tôm, con cá kiếm thêm đồng rau mắm… 

Màn đêm ập xuống. Trời hạ miền quê biển lộng gió.

Chúng tôi tới nhà anh T., bố của “7 con bươm b­ướm”. Một mái nhà tranh xơ xác hiện ra trư­ớc mặt. Vào trong, thấy cảnh còn… xác hơn. Không có một thứ gì đáng giá, ngoài 3 cái gi­ường ọp ẹp với cái tủ “sếch”, bộ bàn ghế cũ kỹ.

Anh T. đầu tóc bù sù, râu ria tua tủa, đang nạt bọn trẻ.

Tôi hỏi đứa gái lớn, dè chừng là chị cả:

- Cháu bao nhiêu tuổi rồi? Có mấy em?   

-  Cháu 19. D­ưới còn 6 em ạ! Bé trả lời lí nhí.

Chị L. mẹ các cháu đang gập dở đống chăn, vội quay sang:

“Còn bận bịu chửa biết đến khi mô mới được rảnh. Mấy cậu ngồi chơi. Em bảo các cháu đi pha n­ước”.

Một đứa bé gái chẳng áo quần, từ ngoài cửa chạy xộc vào bị mẹ “ném” cái… l­ườm vào mặt. Chị nói: “Con út 5 tuổi nhà em đấy. Mấy cậu nom nó có bằng đứa lên 3 thiên hạ không?”.

Thật khó hình dung nổi, gia đình anh T. đã sống ra sao khi thấy cảnh nhà - 2 vợ chồng, 7 đứa con, chỉ trông vào ruộng muối sào rưỡi, vài luống thuốc lào; ngày một ngày hai quẩy quang gánh khắp trong làng, ngoài xã, gặp gì buôn nấy.

Tôi tỏ ái ngại tr­ước cảnh nghèo đông con, nh­ưng họ thì d­ường như không bận tâm: “Trời sinh voi, trời sinh cỏ! Đã phải nhịn ăn  bữa nào đâu”…

Rũ bỏ quá khứ nhọc nhằn!

Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch Nguyễn Đức Tại

Một bác nông dân bày tỏ:

“Ông già, bà cả, lũ thanh niên đi thiên hạ đầy ra cả rồi. Về thấy cảnh làng như­ vầy, mới biết xót xa, thương mình và thương bà con quê mình. Cho dù, ngày hôm nay mới bắt đầu “rũ bùn” đi lên, thì cũng ch­ưa phải là muộn”.

Bác nông dân nói:

“Bà con thật chất phác. Hiềm một nỗi, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng có một điều đáng mừng đó là bà con đã thực sự bừng tỉnh, nhận ra rằng: Cần phải loại bỏ mọi thứ cổ hủ, lạc hậu - ăn sâu vào máu thịt từ nhiều đời; đoạntuyệt với cái đói, cái nghèo truyền kiếp”.

Bác nông dân quả quyết:

“Rồi nhà báo sẽ thấy rõ: Nếu có một chú gà trống choai “háu” cất lên tiếng gáy; ắt các chú choai khác cũng sẽ đồng thanh. Chẳng lẽ đàn trống “liền anh liền chị” chịu ngồi yên?”.

Sự thật thì, ngư­ời dân nay đang khát… không phải “khát đẻ” như những năm nào, mà khát làm giàu. Vậy là điều mừng.

Anh D. ngậm ngùi:

“Tôi đã thấm thía nỗi nhọc nhằn, vất vả, đông con, suốt hơn 20 năm (7 con toàn… nữ với gái). Mình còn sức lực, nhất định phải làm một điều gì đó”.

Anh D. ngẩn ngơ tiếc nuối cái thời trẻ trung long đong, lận đận, đến lúc tóc bạc trắng, vẫn phải cầm càng xe công nông, cũng là cái sự khổ. Dù thế, vợ chồng còn gặp may: 3 con gái lớn học ch­ưa đến nơi đến chốn, cậy nhờ xin được việc làm. Gia đình bớt chút gánh nặng, tập trung vào làm ăn. Anh khoe “đã sắm đ­ược xe máy, tivi, tủ, bàn ghế…”.

Trường Mầm non Quảng Thạch

Gặp gỡ, trao đổi với Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch, Nguyễn Đức Tại. Anh vui vẻ làm con tính:

“Toàn xã có khoảng 60% đất lúa và 40% đất thuốc lào. Lúa đã cho hơn 6 tấn/ha; số hộ dân trồng thuốc lào, thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/năm.

Cùng với việc áp dụng tiến bộ KH-KT, đ­ưa giống mới cho năng suất cao vào mùa vụ, bà con còn chịu khó tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm, cách thức trồng xen canh, gối vụ các loại cây thích hợp như­ đậu, lạc, vừng, khoai tây…

Những năm trước, cả xã chỉ lác đác vài con bò; nay tăng lên hàng trăm con. Đàn lợn hướng nạc, lợn lai, gia cầm… tăng lên khá nhanh và cho thu nhập khá; không ít hộ chăn nuôi giỏi, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm sú và nuôi cua xuất khẩu - đang trở thành phong trào nở rộ trong các thôn…

Hỏi: Cuộc sống của bà con hiện nay ra sao?    

Anh Nghĩa – một nông dân phấn chấn:

“Ngành nghề trong các thôn, xã bây giờ phong phú hơn rất nhiều so những năm trước. Máy tuốt lúa, máy xay xát, công nông, máy cày rồi xe tải các loại, hoạt động suốt đêm ngày.

Bà con, ai nấy khát khao vươn lên, làm giàu chính đáng. Năm xưa cậu về, cả thôn, xe máy chỉ đếm đầu ngón tay, cả xóm không có nổi cái tivi trắng đen, nhà tranh tre vách đất còn tới hơn một nửa… Nay: 100% số gia đình có tivi màu, 100% có xe máy; nhà tranh tre, đã xóa sổ từ lâu rồi!”. 

Hiện toàn xã đã có trên 30% số hộ giàu, khoảng 50% số hộ khá. Ngay như con đường (chạy từ Quốc lộ 1) vào thôn, cứ nghĩ không biết đến khi mô mới làm nổi; nay thì nó đã “đường ra đ­ường”… Người dân quê biển đã biết cách làm giàu.

Và bà con đang “gồng mình” rũ bỏ mọi hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tiến tới xây dựng đời sống văn hóa mới: Lành mạnh - văn minh. Vùng quê biển đang khởi sắc, hòa vào dòng chảy phát triển - hội nhập cùng đất nước.

Nỗ lực xây dựng NTM

Là một xã bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn, năm 2011, xã Quảng Thạch bắt tay vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm rất thấp. Song, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, đến cuối năm 2016, Quảng Thạch đã hoàn thành 19 tiêu chí về xây dựng NTM.

Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch, Nguyễn Đức Tại chia sẻ:

“Thời điểm bắt đầu thực hiện Chương trình MTQGxây dựngNTM (2011), xã Thạch Quảng mới chỉ đạt 4/19 tiêu chí. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, nhưng cũng hết sứckhó khăn, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung phân tích rõ tình hình thực tế, những điều kiện thuận lợi, khó khăn của địa phương, để từ đó đề ra giải pháp cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả các nội dung trong chương trình xây dựng NTM.

Điều đáng nói,trong quá trình xây dựng NTM, xã Quảng Thạch đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ củaNhân dân và tranh thủ được cách nguồn lực từ con em xa quê, sự quan tâm, giúp đỡ của cấp, các ngành.

Trong 5 năm (2011 – 2016), bằng nhiều cách làm cụ thể, thiết thực, xã Quảng Thạch đã huy động được hơn 197 tỷ đồng để xây dựng NTM; đầu tư xây dựng gần 13 km đường giao thông liên xã, liên thôn, đường thôn xóm; kiên cố hóa được 1,73 km kênh mương nội đồng; xây dựng các thiết chế văn hóa… 

Xã đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ phát triển sản xuất và các lĩnh vực văn hóa -xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Chợ Quảng Thạch

Chợ Quảng Thạch được đầu tư xây dựng năm 2008, trên diện tích 7.102 m2 với tổng số vốn 1,6 tỷ đồng từ Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã bãi ngang ven biển của Chính phủ. Đã nhiều lần, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, miễn giảm hết các loại phí vào chợ và hỗ trợ 50.000 đồng/ngày cho các tiểu thương buôn bán tại chợ, nhưng các tiểu thương vẫn tự dời sang các chợ cóc để buôn bán.

Nhằm khắc phục tình trạng lãnh phí, UBND xã Quảng Thạch quyết tâm vận động các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ cóc, giải tán các hoạt động buôn bán trên lòng, lề đường,  chuyển vào chợ Quảng Thạch.

Theo đó, Ban Quản lý chợ sẽ miễn phí thuê ki ốt, miễn phí thuê mặt bằng, gian hàng cho các tiểu thương, miễn phí trông giữ xe cho khách hàng vào chợ. Thời hạn miễn các loại phí, đến hết ngày 20/1/2024, tạo điều kiện để người tiêu dùng có thể tiếp cận các mặt hàng an toàn, chất lượng. 

Sau 15 năm bỏ hoang, ngay trong thời gian đầu hoạt động trở lại, chợ Quảng Thạch đã thu hút hàng trăm hộ tiểu thương vào chợ kinh doanh - buôn bán nhộn nhịp với đầy đủ các mặt hàng.

Có thể nói, bước đầu, chợ Quảng Thạch đã tạo được niềm tin cho các tiểu thương và Nhân dân. Đây cũng là động lực tạo đà phát triển kinh tế cho địa phương.

Từ một xã thuộc diện khó khăn nhất của huyện Quảng Xương, những năm qua, Quảng Thạch đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Để đạt được những kết quả trên, xã Quảng Thạch đã luôn quan tâm đến công tác xây dựng chính quyền vững mạnh, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ quan trọng…

Đó vừa là niềm vui, đồng thời là động lực để cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Quảng Thạch tiếp tục nỗ lực phấn đấu, nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí của xã đạt chuẩn văn hóa – chuẩn NTM trong những năm tới.

Năm 2022, hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn xã Quảng Thạch đã được các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đạt được những kết quả bước đầu; nhận thức về chuyển đổi số của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, năm 2022, xã đã đầu tư hạ tầng số đảm bảo cho việc thực hiện chuyển đổi số ở địa phương…

Ghi chép của Xuân Phong