Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh có tổng đàn gia cầm khoảng 25 triệu con; đàn lợn khoảng 1,3 triệu con và đàn trâu, bò khoảng 450 nghìn con. Vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi có thể tăng thêm từ 10 đến 30% so với ngày thường.
Từ những tín hiệu của thị trường, dự báo nguồn cung thịt GSGC trong những tháng cuối năm sẽ không thiếu. Một tín hiệu tốt trong thời gian qua đó là giá lợn hơi, gia cầm đã bình ổn trở lại, trong khi đó giá thức ăn có xu hướng giảm nên người chăn nuôi có thể yên tâm tăng đàn, tái đàn.
Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro trong sản xuất, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương khuyến cáo người chăn nuôi cần theo sát diễn biến của thị trường, dự báo đúng khả năng tiêu thụ để xác định quy mô tái đàn, tăng đàn phù hợp, đảm bảo hiệu quả sản xuất tốt nhất.
Nguồn giống GSGC phục vụ nhu cầu tái đàn chủ yếu được nhập về từ tỉnh ngoài, nên công tác giám sát kiểm dịch cần được ngành chức năng tăng cường, đảm bảo lượng GSGC nhập vào tỉnh có nguồn gốc rõ ràng và an toàn dịch bệnh. Thời điểm cuối năm thường xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, vì vậy các hộ chăn nuôi cần cân đối các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất... để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi; chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin theo đúng quy định.
Do nhu cầu sử dụng thịt GSGC tăng cao nên đây cũng là thời điểm tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm nếu nguồn hàng không đảm bảo chất lượng, vì vậy các địa phương cần thành lập đoàn kiểm tra tại các chợ, điểm giết mổ nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng...
Lê Nam