Với 408/450 đại biểu (chiếm 84,30% tổng số đại biểu) tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Trước khi biểu quyết thông qua dự thảo luật, với 374/446 (chiếm 77,27% tổng số đại biểu) các đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành bổ sung quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội 2 phương án.

Phương án 1: Quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn. Phương án 2: Quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

Tuy nhiên, các phương án này đều không đạt được trên 50% đại biểu Quốc hội tán thành. Thông thường, với kết quả xin ý kiến trên, các khoản quy định sẽ không được thể hiện trong dự thảo.

Quốc hội thông qua quy định 'đã uống rượu, bia thì không lái xe' - Hình 1

Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Nhưng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy trong tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì việc quy định cấm "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông là cần thiết.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tha thiết đề nghị Quốc hội cho bổ sung vào Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm một khoản ghi rõ cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông", bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là đạo luật mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn cao, với mục tiêu cao nhất cả trước mắt và lâu dài là định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại, góp phần quan trọng nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân.

Cũng theo bà Anh, thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy điều kiện tiên quyết để những đạo luật có tính chất dự phòng, có xử lý nhưng rất coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục như luật này có thể đi vào cuộc sống thì khi xây dựng Luật cần có nhận thức xã hội đúng đắn, phát huy được sự tham gia tích cực từ mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng, xã hội, đặc biệt là quyết tâm bền bỉ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.

PV