Chiều 12/6/2019, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Và đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu tiếp tục có quan điểm trái chiều.

Hai phương án được Chính phủ đưa ra là cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Hoặc, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Đại biểu Quốc hội: Giới hạn tuổi hưu khiến phụ nữ chịu 'thiệt thòi' - Hình 1

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Bắc Giang)

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Bắc Giang), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu không phải là một vấn đề mới và đã được bàn thảo rất nhiều trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012 và trong quá trình đóng góp ý kiến cho Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Cán bộ, công chức.

Dự án luật cũng kịp thời đáp ứng sự phát triển của thị trường lao động, đặc biệt là việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới được thể hiện trong rất nhiều các quy định của dự thảo luật.

Góp ý về vấn đề điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, đại biểu Hà phân tích các căn cứ phương án Chính phủ đưa ra vừa bảo đảm quyền, đồng thời thể hiện trách nhiệm của người lao động có tính đến các điều kiện, tính chất lao động và rất nhiều yếu tố khác.

"Qua nắm bắt dư luận xã hội, chúng ta biết là còn có nhiều người chưa thực sự đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc điều chỉnh này là cần thiết, ngoài những lý do mà Chính phủ trình", nữ đại biểu Quốc hội nói.

Theo đại biểu Hà, tuổi nghỉ hưu hiện tại đã được quy định cách đây gần 60 năm. Đến nay, tất cả các điều kiện về kinh tế - xã hội, điều kiện lao động, sức khỏe, tuổi thọ bình quân, về yêu cầu phát triển đất nước đã thay đổi nhiều nên tăng tuổi nghỉ hưu đã chín muồi.

Cũng theo vị đại biểu này, đối với nữ việc tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với việc tăng số năm đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, bà Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định chắc chắn lương hưu lao động nữ sẽ cải thiện tốt hơn.

"Nói cách khác, sau khi thực hiện xong thiên chức làm mẹ, cơ hội đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm của người phụ nữ hạn chế đi đáng kể. Thời gian qua có rất nhiều ví dụ thực tế cho thấy phụ nữ chịu thiệt thòi trên con đường thăng tiến vì những giới hạn về quy định tuổi nghỉ hưu", Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho hay.

Bà Hà cũng ủng hộ quyền được nghỉ hưu sớm, theo đó quy định về nghỉ hưu sớm ở độ tuổi thấp hơn đối với một số nhóm lao động đặc thù là rất cần thiết. Bà đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát và đưa ra các căn cứ khoa học, thực tiễn về các ngành nghề hoặc các đối tượng lao động nào cần được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn và thấp hơn là bao nhiêu.

Một số ý kiến khác, tuy đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu song cho rằng những quy định về vấn đề này cần chặt chẽ và đề nghị kỳ họp sau Chính phủ phải trình với Quốc hội nghị định các danh mục những ngành, những nghề kéo dài, tăng tuổi nghỉ hưu.

PV