Sáng nay (6/6/2019), tại phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) chất vấn về tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam liên tục bị bắt giữ khi đánh cá ở khu vực biên chưa phân định. Chính phủ có giải pháp nào để bảo vệ ngư dân?

Trả lời câu hỏi trên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định việc bảo hộ ngư dân được Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm. Về việc ngư dân bị bắt giữ trên vùng biển chưa được phân định, như gần đây là khu vực giữa Việt Nam với Indonesia, ông Minh cho biết: "Trong những vụ việc ngư dân nước ta bị bắt giữ, chúng ta kiên quyết đấu tranh với các nước nếu ngư dân bị bắt khi đang đánh cá hợp pháp. Đồng thời, chúng ta cũng yêu cầu thả người và bồi thường thiệt hại".

Ngoài ra, ông Minh cũng thông tin về một số trường hợp ngư dân Việt Nam đánh bắt trong vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của nước khác. Về việc này, Việt Nam cũng bảo hộ ngư dân bằng việc yêu cầu đối xử nhân đạo, xét xử công bằng, hợp lý.

Đại biểu Quốc hội: Chính phủ có giải pháp nào bảo vệ ngư dân bị bắt trên biển? - Hình 1

 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời chất vấn trước Quốc hội

Theo Phó Thủ tướng, để tránh việc ngư dân vi phạm cần phải tăng cường giáo dục, nhất là đối với ngư dân các tỉnh phía Nam để họ nắm rõ và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Về chủ trương chung của Việt Nam trong các vấn đề tồn tại ở Biển Đông, ông Minh nhấn mạnh lập trường của chúng ta là Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. "Chúng ta có đầy đủ quyền lợi trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội).

Ông Minh khẳng định Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. "Ở Biển Đông có tranh chấp chủ quyền giữa một số nước, cần giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, theo Công ước Luật biển 1982. Không dùng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực giải quyết tranh chấp".

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương chất vấn về việc giải ngân vốn ODA chậm và giải pháp của Chính phủ là gì? Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thừa nhận đúng là tình hình giải ngân dự án dùng vốn ODA chậm, như năm 2018 mới đạt 63,2%; 5 tháng đầu năm 2019 có cải thiện, song vẫn chậm.

Về lý do, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, các Bộ, ngành, địa phương không đảm bảo bố trí vốn đối ứng trong các dự án dùng vốn ODA. Ký các hiệp định vay vốn ODA, nhà cấp vốn yêu cầu Việt Nam phải có vốn đối ứng giải quyết các vấn đề liên quan tới giải phóng mặt bằng và các Bộ, ngành, địa phương khi đó đều cam kết sẽ có nguồn vốn này. Song thực tế khi triển khai dự án lại chưa bố trí, hoặc bố trí không phù hợp...

Ngoài ra, tại một số dự án, nhất là trong lĩnh vực giao thông việc lập kế hoạch chưa sát thực tế. Nguyên nhân khác là năng lực ban quản lý dự án, chủ đầu tư thấp, chưa đáp ứng trong triển khai thực tế; giải phóng mặt bằng khó khăn, kéo dài; biến động tỷ giá... cũng ảnh hưởng tới giải ngân vốn vay ODA.

PV