Đại biểu Quốc hội: Vận chuyển ma túy tính bằng tấn, trách nhiệm của Bộ Công an ở đâu? - Hình 1

Đại biểu Mai Hoa đoàn Đồng Tháp mở đầu câu hỏi chất vấn

Mở đầu câu hỏi chất vấn, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) đặt câu hỏi. “Các loại tội phạm ma túy, tín dụng đen gây bức xúc, thảm án liên quan đến sử dụng ma túy. Trách nhiệm lực lượng chức năng địa bàn như thế nào, giải pháp sắp tới như thế nào?”.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Trương Thị Yến Linh (đoàn Cà Mau) đặt câu hỏi: “Cử tri quan tâm bức xúc về vấn đề chuyển buôn bán ma túy. Không tính bằng gam, tính bằng tấn. Điều đó cho thấy công tác phòng ngừa còn nhiều hạn chế, ma túy len lỏi đến cả vùng nông thôn. Trách nhiệm của Bộ ở đâu, có giải pháp căn cơ gì?”.

Đại biểu Quốc hội: Vận chuyển ma túy tính bằng tấn, trách nhiệm của Bộ Công an ở đâu? - Hình 2

Bộ trưởng Tô Lâm

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, qua ý kiến câu hỏi của các đại biểu, cũng như ý kiến các đại biểu trong phiên thảo luận về vấn đề Kinh tế - Xã hội trước đây ông nhận thấy đây là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của các cử tri.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định Việt Nam đã rất quan tâm và dành nhiều nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm ma tuý. Quốc hội cũng thông qua Luật Phòng, chống ma túy với hình phạt rất nghiêm khắc cho loại tội phạm này, cụ thể 9/13 hình phạt ở khung cao nhất (tử hình). Chính phủ có kế hoạch triển khai phòng, chống ma tuý; các bộ ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để đối phó với loại tội phạm này.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, lực lượng công an đã dự báo trước tình hình, triển khai nhiều biện pháp, kết quả đấu tranh phòng chống ma tuý vừa qua với các con số đã nói lên điều này. Tội phạm ma tuý là vấn đề tội phạm quốc tế, Việt Nam lại ở gần trung tâm sản xuất ma tuý là Tam Giác Vàng nên nguy cơ phát triển tội phạm này rất cao.

Tình hình ma tuý trên thế giới diễn biến phức tạp, nhiều nước hợp pháp hoá việc sử dụng ma tuý. Ở ASEAN, từ tháng 10/2018, Bộ Công an đăng cai hội nghị cấp Bộ trưởng Công an và ra tuyên bố chung không chấp nhận hợp pháp hoá ma tuý.

"Nhờ dự báo trước tình hình, từ 2018, công an đã ngăn chặn các vụ vận chuyển qua Tây Bắc gồm các tỉnh Điện Biên, Hoà Bình, Sơn La. Sau đó,chúng chuyển hướng hoạt động vào miền Trung, miền Nam" - Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Công an khẳng định: "Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, chúng tôi hoàn toàn có thể ngăn chặn tội phạm ma tuý, không để Việt Nam thành địa bàn trung chuyển. Dù ở gần vòng xoáy trung tâm thứ 2 sản xuất ma tuý lớn trên thế giới, nguồn cung lớn, nhu cầu trong nước đang phát triển nhưng so với ASEAN thì Việt Nam có thể kiểm soát được. Số người nghiện ở Việt Nam chỉ bằng 1/10 Philippines".

Đề cập đến vướng mắc trong công tác phòng, chống tội phạm ma tuý, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Điều 199 Bộ Luật Hình sự đã bỏ quy định về xử lý hình sự người sử dụng ma tuý; quy trình đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc... và Bộ Công an đang nghiên cứu để sửa đổi quy định của luật pháp liên quan, đề ra biện pháp hữu hiệu hơn.

Ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên tháo gỡ khó khăn về pháp luật, thực hiện đồng bộ giải pháp chặn nguồn cung, giảm nhu cầu trong nước; tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng về phòng, chống ma tuý.

PV