Hệ thống giao thông thủy ở ĐBSCL ngày càng phát triển (Ảnh: K.V)
Dự báo, đến năm 2030, dân số toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ vào khoảng 18 - 19 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 6,5 - 7,5 triệu người; tương ứng tỷ lệ đô thị hóa từ 35 - 40% với tốc độ tăng bình quân từ 2,4 - 3,3%/năm.
Cũng theo dự báo, đất xây dựng đô thị ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 là khoảng 70.000 - 90.000 ha, bình quân từ 90 - 120 m2/người.
Theo đó, sẽ phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long theo mô hình đa trung tâm với quy mô trung bình trên cơ sở phát triển các vùng sinh thái nông nghiệp đặc trưng, phù hợp với phân vùng phát triển kinh tế và thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhằm phát triển nền nông nghiệp đa dạng, có trình độ chuyên môn hóa cao trên cơ sở công nghiệp hóa và thương mại hóa nông nghiệp.
Theo Quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tại đây sẽ phát triển hệ thống đô thị trong vùng theo tầng bậc, làm cơ sở hình thành các trung tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; phát triển theo mô hình đô thị nén.
Không hình thành các vùng đô thị hóa, các dải đô thị hóa liên tục tại các khu vực ngập sâu, giữa đồng bằng và ven biển; thiết lập không gian dành cho nước (trữ nước, điều tiết nước, thấm nước) theo tầng bậc địa hình trong phạm vi cấp vùng và đô thị; phát triển đồng bộ hệ thống giao thông thủy - bộ, quản lý nước tích hợp và cân bằng đào đắp trong xây dựng, phát triển đô thị.
Phát triển và bảo vệ các vùng sinh thái, cảnh quan tự nhiên đặc trưng gắn với chuyển đổi vùng sản xuất nông lâm nghiệp và bảo vệ tài nguyên nước trong vùng; hình thành 6 vùng sinh thái nông nghiệp dựa trên trọng tâm phát triển nông nghiệp đa dạng và chuyên môn hóa cao, công nghiệp hóa và thương mại hóa nông nghiệp theo thế mạnh của từng vùng gồm: Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, dọc sông Tiền - sông Hậu, Tây sông Hậu, Bán đảo Cà Mau và ven biển Đông.
Ngoài ra, căn cứ vào đặc điểm địa lý lãnh thổ đặc thù trong vùng, tác động của biến đổi khí hậu, các định hướng chiến lược của quốc gia và mô hình phát triển vùng, quy hoạch cấu trúc không gian vùng đồng bằng sông Cửu Long được phân thành 3 tiểu vùng với các trục kết nối vùng.
Các tiểu vùng gồm: tiểu vùng ngập sâu chiếm khoảng 15% diện tích tự nhiên của vùng, bao gồm một phần các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và Tiền Giang, thuộc vùng Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên; tiểu vùng giữa đồng bằng chiếm khoảng 38% diện tích tự nhiên của vùng bao gồm TP. Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long và một phần các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Long An); tiểu vùng ven biển chiếm khoảng 47% diện tích tự nhiên của vùng, gồm các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh và một phần các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bến Tre, Tiền Giang và Long An.
Các trục kết nối chính có vai trò kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển trong vùng, gồm các trục chính hướng Đông Bắc - Tây Nam là cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau, quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh - N2, đường ven biển Đông; các trục chính hướng Tây Bắc - Đông Nam là cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, trục dọc Sông Hậu đi qua Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Trong đó, các trục đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu có vai trò là các trục xương sống của toàn Vùng.
Tiểu vùng ngập sâu có các đô thị trọng điểm là Châu Đốc, Tân Châu, Hồng Ngự, Mỹ An, Kiến Tường. Tiểu vùng giữa đồng bằng gồm các đô thị trọng điểm là TP.Cần Thơ, Vĩnh Long, Long Xuyên, Bình Minh, Tịnh Biên, Ngã Bảy, Cao Lãnh, TP. Sa Đéc, Bến Tre, Mỹ Tho, Cai Lậy, Tân An, Bến Lức, Đức Hòa. Tiểu vùng ven biển và hải đảo là Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên, Cà Mau, Sông Đốc, Năm Căn, Bạc Liêu, Giá Rai, Sóc Trăng, Vĩnh Châu, Ngã Năm, Vị Thanh, Long Mỹ, Trà Vinh, Duyên Hải, Gò Công, Cần Giuộc.
Thủy Hương (Nguồn: dangcongsan.vn)