“Một trong những điểm yếu của Việt Nam hiện nay đó là việc khai thác các quyền sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm bảo hộ đúng mức. Do đó, cần kết hợp trí tuệ với hiểu biết cùng chính sách hỗ trợ và hướng dẫn của các ban, ngành liên quan để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ”. Đó là khẳng định của ông Hoàng Văn Tân, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.


Theo ông, nhận thức của người dân Việt Nam nói chung về quyền sở hữu trí tuệ hiện nay như thế nào?

Cho đến nay, nhận thức của công chúng về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nói chung đã tốt lên. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì cần phải tăng cường hơn nữa, nâng cao hơn nữa và thực sự phải hiểu biết hơn nữa để nhận thức đầy đủ. Bước vào hội nhập, các DN đã nhận thức được rằng, nếu mang hàng ra nước ngoài mà không quan tâm đến vấn đề SHTT là có thể vô tình xâm phạm quyền SHTT của người khác hay nghiêm trọng hơn là quyền SHTT của mình không được bảo vệ. Còn nhớ một câu chuyện thực tế, khi Cục SHTT tổ chức hội thảo tại TP. Hồ Chí Minh, có chủ DN rơi nước mắt trải lòng bởi không quan tâm đến SHTT, sản xuất hàng ra đã vấp phải tranh chấp, tố tụng và cuối cùng bị tịch thu hàng hóa. Như vậy, vấn đề đặt ra đối với DN là phải biết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời không rơi vào tình trạng vô tình xâm phạm quyền SHTT của người khác.

Cục Sở hữu trí tuệ có tư vấn gì để những đơn đăng ký quyền SHTT nộp lên được duyệt tốt hơn?

SHTT của Việt Nam là khái niệm ra đời hơn 30 năm, trong khi trên thế giới là hàng trăm năm. Vì thế, chúng ta không tránh khỏi nhận thức và hiểu biết hạn chế.

Hiện Việt Nam có trên 100 văn phòng tư vấn, các luật sư tư vấn cho người nộp đơn đăng ký. Ngay Cục Sở hữu trí tuệ có một đơn vị (trước đây gọi là trung tâm hỗ trợ tư vấn hỗ trợ miễn phí) giúp các nhà sáng chế hoàn thiện hồ sơ. Cái khó nhất là viết ra hồ sơ, tức là bản chất của sáng chế của mình là cái gì thì nhiều người không nói ra được, không biết cái gì mới cần bảo vệ quyền. Ví dụ, nghĩ ra được công thức nấu ăn hay bài thuốc gì đó, thì điều quan trọng nhất là thành phần hóa học, chất A bao nhiêu phần trăm, chất  B bao nhiêu… toàn bộ đó là sự sáng tạo, khác với những cái đã có. Việc quan trọng nhất là thể hiện được điều này thì mới bảo vệ được quyền SHTT. Có những trường hợp vì không nắm được pháp luật nên khi DN mang đến đăng ký SHTT nói “tôi đã đăng báo rồi” – đương nhiên mất một tiêu chuẩn là tính mới. Do đó, giải pháp sáng tạo ra phải giữ bí mật cho đến ngày nộp đơn đăng ký lên Cục SHTT để ghi nhận ngày nộp đơn. Đặc biệt, nhãn hiệu mang đi đăng ký phải giữ không bộc lộ công khai, bởi lẽ mất tính mới không bảo hộ được nữa.

Số lượng đơn đăng ký quyền SHTT của người Việt vẫn ít thể hiện rõ sự quan tâm đến quyền SHTT chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Ông có bình luận gì về điều này?

Thực ra, sáng chế có 2 cách hiểu khác nhau. Chỉ một sáng chế làm thay đổi cả lĩnh vực kỹ thuật, thậm chí cả nhân loại. Nhưng có những sáng chế rất nhỏ. Cái đinh vít trước đây chỉ là một cái gạch, sau tiến lên thành chữ thập, hay là cái máy bay, mấy chục sáng chế mới được áp dụng. Cách đây mấy chục năm, một cái xẻng đào đất mà thế giới vẫn tiếp tục đăng ký sáng chế. Toàn bộ hoạt động sáng tạo của Việt Nam có cái gì đó chưa phát huy hết cái mà ta gọi là “người Việt thông minh, sáng tạo”. Cần kết hợp trí tuệ với hiểu biết và chính sách động viên, hỗ trợ, hướng dẫn của các ban, ngành liên quan để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ. Nhiều người bảo nộp đơn lâu thế thì không chờ được. Nhưng không phải thế, thủ tục nộp đơn với toàn bộ quy trình thẩm định phải theo luật. Thời điểm DN nộp đơn rồi có thể yên tâm bởi từ ngày nộp đơn thì sáng chế của chủ thể được bảo hộ tạm thời. Điều quan trọng là nộp được đơn sớm đến cơ quan SHTT. Có một số trường hợp, cơ quan SHTT cũng ưu tiên như tạo điều kiện để lô hàng này xuất khẩu hoặc cấp sớm để tổ chức khai trương hay tham gia triển lãm…

Xin cảm ơn ông!

Thu Hà (Thực hiện)