THCL Thực trạng phân bón giả vẫn luôn là vấn đề gây bức xúc trong dư luận, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Để đẩy lùi vấn nạn này, đòi hỏi chính sách và hành động cụ thể từ phía các ban, ngành hữu quan, DN…
“Chưa, chưa và… chưa”
Theo ông Lê Quốc Phong, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, TGĐ Công ty Phân bón Bình Điền, mặc dù nói phân bón là ngành nghề có điều kiện, nhưng những quy định còn chung chung, chưa cụ thể, chưa dứt khoát nên nhiều người SXKD phân bón. Chưa chuẩn bị đầy đủ cũng như trang bị các quy định về quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực phân bón và sản xuất phân bón.
Quy định quản lý phân bón cho 2 nơi nên việc giám sát và phối hợp chưa đồng bộ, nhiều cơ hội cho các đối tượng làm ăn không chân chính. Cán bộ quản lý phân vô cơ, nhưng chưa hiểu hết công dụng và mối liên quan giữa phân bón đến đất đai, cây trồng… gây khó khăn cho công tác quản lý và bà con nông dân khi sử dụng. Chưa có quy định rõ ràng về phân bón giả như thế nào? Giả nhãn hiệu của phân bón khác hay phân bón giả?
Chưa quy định rõ ràng về cách đặt tên phân bón, quy định thông tin rõ ràng cho từng loại phân bón; từng hoạt chất… Nghị định phân chia phân bón làm 3 loại: Vô cơ, hữu cơ và phân bón khác là chưa hợp lý; làm cho DN còn khó hiểu nói chi đến nông dân. Chưa quy định về thời hạn sử dụng, hướng dẫn bao bì cho nông dân, nhập nước này ghi nước khác… khiến nông dân thiệt thòi...
Ông Đặng Văn Lớp, GĐ Sở Công thương Long An nêu ý kiến, một số nội dung quản lý về phân bón chưa được điều chỉnh trong hệ thống văn bản pháp luật về phân bón hiện hành làm cho địa phương lúng túng khi xử lý khi thực tế phát sinh trường hợp ngoài quy định.
Hiện nay, các đối tượng hoạt động phi pháp thường lợi dụng để giới thiệu những sản phẩm phân bón kém chất lượng (do các quy định về hoạt động hội thảo, giới thiệu mô hình và chế tài liên quan còn hạn chế, chưa cụ thể). Một số cơ sở sản xuất phân bón vô cơ hiện nay đã có phòng thử nghiệm, nhưng không được chứng nhận hoặc công nhận bởi cơ quan có thẩm quyền nên không có cơ sở để đánh giá năng lực phân tích, thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng phân bón. Cơ sở thuê gia công ký hợp đồng với cơ sở nhận gia công và chịu trách nhiệm về chất lượng phân bón nên khó xử lý cơ sở nhận gia công nếu vi phạm về chất lượng; đồng thời cũng khó xử lý cơ sở thuê gia công vì họ không trực tiếp sản xuất mà chỉ thuê gia công phân bón…
Lập lại thị trường
Qua chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ý kiến của các đơn vị tham gia Hội thảo “Lập lại trật tự thị trường phân bón” vừa diễn ra tại Hà Nội, Ban Tổ chức đã tổng hợp và đề xuất nhiều giải pháp.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định quản lý quy định tại NĐ 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ về quản lý phân bón và các quy định liên quan; kiên quyết loại bỏ những tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón không có giấy phép; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về chất lượng phân bón, làm giả, làm nhái, làm kém chất lượng.
Sớm hoàn thiện dự thảo NĐ sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 202 để trình Chính phủ ban hành trong năm 2016; ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 29 và Thông tư 41 áp dụng ngay sau khi NĐ 202 sửa đổi, bổ sung có hiệu lực; ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngay trong năm 2016, tạo khung pháp lý về quản lý chất lượng phân bón.
Triển khai sâu rộng, có hiệu quả Chương trình phối hợp số 17-CTPH/HND-MTTQ-BNN&PTNT-BCT ngày 17/7/2014 phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2019 giữa Hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQVN, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương.
Thực hiện tốt Kế hoạch số 01/KH-BCĐ 389 của BCĐ 389/QG về tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trái phép phân bón giả, kém chất lượng.
Triển khai có hiệu quả Chương trình Phân bón giả tác hại thật do BCĐ 389/QG, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương cùng TCT Phân bón và Hóa chất Dầu khí phối hợp thực hiện.
Trung ương Hiệp hội phân bón tiếp tục làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ, Quốc hội đề xuất sửa đổi Luật Thuế GTGT để đưa phân bón là mặt hàng chịu thuế GTGT với mức thuế suất phù hợp.
Về công tác quản lý, cần nghiên cứu để phân cấp quản lý sản xuất phân bón cho các sở công thương, sở NN&PTNT để phát huy tối đa vai trò, nguồn lực của các cơ quan chuyên môn tại địa phương trong công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác quản lý thị trường phân bón, khuyến khích các nhà sản xuất có các biện pháp bảo hộ thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm phân bón…
Ông Lê Quốc Phong, TGĐ Công ty Phân bón Bình Điền:
Chịu trách nhiệm về SP
Để giải quyết thực trạng phân bón giả, cần quy định về cơ sở sản xuất, cũng như quy định về sản phẩm lưu thông trên thị trường.
Các cơ sở sản xuất phải có phòng phân tích và lữu trữ mẫu phân bón. Các cơ sở nhận gia công cũng phải chịu trách nhiệm sản phẩm mình làm ra, đảm bảo đủ tiêu chuẩn lưu thông. Hồ sơ công bố tiêu chuẩn cơ sở, hợp quy của công ty đăng ký sản phẩm lưu thông bắt buộc phải có các đơn vị nhận gia công tham gia.
Về quy định về sản phẩm lưu thông trên thị trường, phải có quy định rõ ràng về nhãn mác một loại phân bón cho phù hợp với tình hình mới, gần hoặc giống với quy định của IFA hoặc FAO. Nên có 1 định dạng chung cho từng loại phân bón. Các chất tiết kiệm đạm, lân… phải được khảo nghiệm, hoặc đã nghiệm thu trong các đề tài cấp bộ trở lên hoặc đã được Cục Trồng trọt cấp tiến bộ kỹ thuật. Các đơn vị nhập khẩu sản phẩm phân bón mà không qua sản xuất, phải đăng ký vỏ bao bì cùng với sản phẩm khi gửi hổ sơ hợp quy với sở công thương, nhằm tránh tình trạng gian lận thương mại…
Ông Nguyễn Hồng Phong, TGĐ Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông Thanh Hóa:
Kinh doanh có điều kiện
Xin nêu 4 hướng đối với ngành phân bón. Thứ nhất, ngành phâm bón là ngành kinh doanh có điều kiện thì phải có điều kiện, giống như kinh doanh BĐS hay kinh doanh vàng bạc có điều kiện vậy. Xin kiến nghị, vốn điều lệ cho ngành sản xuất phân bón tối thiểu phải là 20 tỷ trở lên. Bây giờ 500 triệu cũng sản xuất phân bón được là điều hết sức vô lý. Thứ hai, đã là sản xuất phân bón thì DN nào cũng phải có phòng kiểm tra chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc gia về quản lý chất lượng nhằm ngăn chặn việc làm giả, làm nhái.
Thứ ba, thống nhất giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương để nhất quán về quản lý, như hiện nay 2 bộ thì rất khó kiểm soát. Thứ tư, cần tuyên truyền hướng dẫn… Trung tâm Khuyến Nông quốc gia và Bộ NN&PTNT sẽ tập trung hướng dẫn mạnh mẽ hơn nữa các phân bón chuyên dùng theo cây theo đất mà chỉ có các DN chuyên sâu, DN khoa học công nghệ mới có thể làm được việc này, từ đó giảm bớt được các DN siêu nhỏ vẫn có thể sản xuất phân bón như các DN lớn.
Ông Trần Anh, TGĐ Công ty CP Phân bón Hà Lan:
Cần quản lý chặt chẽ
Chất lượng và quản lý chất lượng phân bón cần đồng bộ giữa các bộ, ngành; quy định hợp lý với điều kiện sản xuất của các DN, nhất là DN nhỏ; quản lý chặt chẽ không để sót, lọt các cơ sở không đăng ký, đặc biệt cán bộ quản lý thừa hành pháp luật nghiêm minh trong việc xử lý vi phạm.
Về quy định lấy mẫu phân bón, kiểm nghiệm, phân tích cần rõ ràng, quy định rõ về năng lực người lấy mẫu, quy trình lấy mẫu, quy trình phân tích (đặc biệt là các sản phẩm NPK sử dụng công nghệ phối trộn). Xây dựng bộ tiêu chuẩn đủ điều kiện sản xuất phân bón rõ ràng. Kiên quyết thu hồi giấy phép những cơ sở nhỏ không đủ năng lực sản xuất phân bón đạt tiêu chuẩn theo quy định nhằm hạn chế tình trạng sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, lưu ý các điểm sản xuất, kinh doanh ở vùng sâu, vùng xa nơi ít thông tin về phân bón, có biện pháp mạnh đối với những người cố tình vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh phân bón giả…
Thanh Hà