Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp (Ảnh minh họa - BAF)
Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp (Ảnh minh họa - BAF)

Dịch bệnh “bủa vây” các tỉnh thành cả nước

Hiện nay, tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm diễn biến khá phức tạp, số ổ dịch và số gia súc mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có chiều hướng gia tăng cao so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, cả nước đã xảy ra 468 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 41 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 26.400 con. Dịch bệnh trầm trọng và dai dẳng nhất tại một số tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, Quảng Ninh. Hiện nay, cả nước có 247 ổ dịch thuộc 68 huyện của 21 tỉnh chưa qua 21 ngày.

Bệnh cúm gia cầm, cả nước xảy ra 7 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 7 huyện của 7 tỉnh. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 12.424 con. So với cùng kỳ năm 2023, số ổ dịch giảm 36,36%, số gia cầm chết, tiêu hủy giảm hơn 9,89%. Đặc biệt, 1 người đã chết vì nhiễm virus CGC A/H5N1 và 1 người nhiễm virus CGC A/H9N2.

Bệnh Dại trên động vật, có 146 ổ dịch bệnh Dại tại 34 tỉnh, thành phố, tổng số chó, mèo tiêu huỷ là 395 con. Hiện nay, có 19 ổ dịch bệnh Dại trên động vật tại 10 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. So sánh với cùng kỳ năm 2023 số ổ dịch Dại trên động vật tăng 24,24% lần.

Từ đầu năm, 44 người tử vong (tăng 30%) do bệnh Dại tại 23 tỉnh, thành phố (Bình Thuận 7 ca, Đắk Lắk 5 ca) và ghi nhận 96.561 trường hợp người bị chó, mèo mắc dại, nghi dại cắn, cào phải điều trị dự phòng…

Bệnh Lở mồm long móng, cả nước phát sinh 44 ổ dịch tuýp O tại 25 huyện của 13 tỉnh; số gia súc mắc bệnh là 1.421 con, số gia súc tiêu hủy là 123 con. So với cung kỳ năm 2023, số ổ dịch tăng 2,09 lần, số gia súc mắc bệnh tăng 2,18 lần. Hiện nay, cả nước có 3 dịch tại 2 tỉnh Yên Bái và Gia Lai chưa qua 21 ngày.

Đồng lòng chống dịch

Trước tình hình dịch bệnh “bủa vây” nhiều địa phương cả nước, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã có Công điện số 58/CĐ-TTg yêu cầu bộ trưởng các bộ: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Y tế, Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Thông tin và truyền thông, thủ trưởng cơ quan có liên quan, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo đúng quy định của pháp luật về thú y.

Công điện nêu rõ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực hợp pháp để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh; chủ động triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, cần tổ chức triển khai việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng vật nuôi hiện có được tiêm phòng, trong thời gian sớm nhất có thể. Rà soát, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của địa phương trong năm 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế.

Ngoài ra, UBND các tỉnh cũng ban hành các công điện nhằm tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Tại Nghệ An, UBND tỉnh này cũng đã ban hành Công điện số 23/CĐ-UBND.  Theo đó, tỉnh này giao Sở NN&PTNT, Sở Y tế, Sở Tài chính, Cục Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh động vật tại các địa phương; kiểm tra, chấn chỉnh công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, giám sát, cảnh báo và báo cáo dịch bệnh động vật.

Tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý dịch bệnh trên đàn vật nuôi kịp thời; chuẩn bị đầy đủ vắc xin, hóa chất, vật tư để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh…

Tại Đồng Nai, “thủ phủ” chăn nuôi của nước ta cũng được UBND tỉnh này chỉ đạo các sở, ngành và lãnh đạo các cấp huyện, thành phố tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm, tập trung tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, trong đó tập trung vào tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo. Tuyên truyền vận động người chăn nuôi tổ chức tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đảm bảo tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng các loại vắc xin.

Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các địa phương cần khẩn trương tổ chức tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo đúng quy định. Thành lập đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

Nhiều địa phương kiểm soát được dịch bệnh

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình, đến hết quý II/2024 toàn tỉnh có khoảng 286,18 nghìn con lợn (tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023); trên 48,3 nghìn con trâu, bò (tăng 0,3%); 24,6 nghìn con dê (tăng 1,8%); 6,49 triệu con gia cầm (tăng 2,9%).

Hiện các huyện, thành phố trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân hè. Trong đó, vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm đã tiêm được 2.099.553 lượt con (đạt 95,6% kế hoạch); vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò đã tiêm được 30.684 lượt con (đạt 88,7% kế hoạch); vắc xin phòng bệnh lở mồm, long móng tiêm được 675 lượt con và vắc xin phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo tiêm được 48.494 lượt con (đạt 91,5% kế hoạch). Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát.

Tại Bình Phước, Sở NN&PTNT cho biết, thời gian qua, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được Bộ NN&PTNT, Cục Thú y, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước quan tâm chỉ đạo sâu sát.

UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật và xây dựng vùng, cơ sở ATDB động vật, chuỗi sản xuất ATDB để xuất khẩu trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 vùng chăn nuôi gia cầm ATDB đối với bệnh Cúm gia cầm và Newcastle trên gia cầm. Đối với vùng chăn nuôi gia súc ATDB đối với bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn cổ điển đang triển khai tại 2 huyện (Chơn Thành, Hớn Quản).

Hiện các huyện thị này đã tiệm cận vùng ATDB theo chuẩn quốc tế. Bình Phước đặt mục tiêu là tỉnh đầu tiên trên cả nước có vùng ATDB theo quy định WOAH/OIE. Đến năm 2030 sẽ có 06/11 huyện ATDB theo quy định WOAH/OIE.

Sông Trường