Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước, ngày 28/06 vừa qua, Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Thụy Luân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phương chủ trì hội nghị trên.
Tham dự hội nghị có Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y Nguyễn Thị Điệp, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Trong thời gian qua, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển nhanh chóng theo hướng chăn nuôi trang trại, công nghệ hiện đại. Chăn nuôi nhỏ lẻ giảm dần nhưng vẫn phân bố rộng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 423 trang trại chăn nuôi heo, chiếm tỷ lệ 93% tổng đàn heo và 88 trang trại chăn nuôi gia cầm, chiếm tỷ lệ 72% tổng đàn gia cầm.
Từ năm 2022, trên địa bàn tỉnh, các loại dịch bệnh như lở mồm long móng, cúm gia cầm,... không xảy ra. Bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra rải rác tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các ổ dịch được xử lý kịp thời, không phát sinh trên diện rộng.
Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới, nguy cơ cao phát sinh và lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Vì vậy, cần tiếp tục tập trung tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh động vật và xây dựng cơ sở, vùng ATDB động vật trong thời gian tới.
Tại hội nghị, đại diện Chi cục Thú y vùng VI đã phổ biến, hướng dẫn các quy định xây dựng vùng ATDB của Việt Nam và của Tổ chức thú y thế giới (WOAH), kế hoạch xây dựng vùng ATDB và kế hoạch an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh, ứng phó dịch bệnh.
Mục tiêu của Bình Phước đến năm 2030, xây dựng 11/11 huyện, thị xã, thành phố ATDB theo quy định Việt Nam và 6/11 huyện, thị xã, thành phố ATDB theo quy định WOAH-OIE. Trong đó, về vùng ATDB theo tiêu chuẩn OIE, đến năm 2030, xây dựng 6 huyện, thị xã, thành phố (Đồng Phú, Đồng Xoài, Chơn Thành, Bù Đăng, Hớn Quản, Phú Riềng) đạt ATDB đối với cả gia cầm và gia súc.
Hội nghị cũng đã nghe báo cáo tham luận của các huyện, thị xã, thành phố. Nội dung chủ yếu về kết quả thực hiện xây dựng vùng ATDB, khó khăn, tồn tại và các giải pháp thực hiện tại các địa phương trong thời gian tới. Cùng với đó, đại diện doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi cũng đã có báo cáo tham luận sát với thực tế doanh nghiệp, đóng góp những nội dung chất lượng về vấn đề xây dựng cơ sở, vùng ATDB.
Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y Nguyễn Thị Điệp cho rằng, để đạt được các mục tiêu xây dựng cơ sở, vùng ATDB động vật, nhất là mục tiêu 6/11 huyện, thị xã, thành phố ATDB theo quy định WOAH-OIE, các sở, ngành cần phải nghiên cứu, xem xét, đưa ra lộ trình cụ thể, phương án tối ưu để thực hiện.
Phát biểu kết luận hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Thụy Luân nhấn mạnh, các sở, ngành, địa phương cần quán triệt, thực hiện các chỉ đạo, kế hoạch đã triển khai đối với vấn đề xây dựng cơ sở, vùng ATDB động vật. Đề nghị các địa phương đã đạt ATDB sẽ tiếp tục duy trì, hoàn thiện. Các địa phương chưa xây dựng vùng ATDB thì cần phải tiến hành sớm theo kế hoạch đã triển khai. Đối với kiến nghị của các địa phương và doanh nghiệp, sở ghi nhận các vấn đề, sẽ cùng các cấp, ngành liên quan rà soát để tham mưu lên UBND, HĐND. Cùng với đó, sẽ phối hợp chặt chẽ, có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, cơ sở.
Sông Trường