Công điện số 16/CĐ-UBND của UBND tỉnh Nam Định vừa được ban hành trong bối cảnh, từ đầu năm đến nay, Dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm… có diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Riêng tại tỉnh Nam Định, vào 27/5/2024 có phát hiện ổ Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, số lợn ốm chết phải tiêu hủy 64 con. Hiện tại ổ dịch cơ bản đã được kiểm soát, nhưng nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn tỉnh còn rất cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương chủ động phòng, chống dịch trên đàn vật nuôi
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương chủ động phòng, chống dịch trên đàn vật nuôi

Để công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm kịp thời, hiệu quả, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch.

Giám sát chặt chẽ, xử lý dứt điểm các ổ dịch trong diện hẹp, không để phát sinh ổ dịch mới. Chủ động triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật.

Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo dịch bệnh, các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật mắc bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

“Nếu để dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh”, công điện nhấn mạnh.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Nam Định cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo rà soát kết quả tiêm phòng, tổ chức tiếp nhận vắc xin nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ và triển khai tiêm phòng ngay cho đàn vật nuôi.

Vận động người chăn nuôi chủ động tiêm các loại vắc xin phòng bệnh nguy hiểm khác đảm bảo tiêm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn hiện có, nhất là đối với các bệnh như: Cúm gia cầm, Dại, Tai xanh, Dịch tả lợn châu Phi…

Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi; đẩy mạnh xây dựng chuỗi sản xuất, cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh…

Hướng dẫn người dân chăn nuôi an toàn dịch bệnh
Hướng dẫn người dân chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Đối với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định yêu cầu tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; chủ động phối hợp giám sát tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Đối với Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác quản lý thị trường, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với chính quyền cơ sở trong việc ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật…

Mai Chiến