Nhằm hạn chế tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhiều quốc gia trên thế giới đưa ra các gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Việt Nam với tinh thần “chống dịch như chống giặc” bằng các chính sách và giải pháp, đang huy động tổng lực các nguồn lực, quyết liệt thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa chiến thắng dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Ngành ngân hàng, trong đó có Agribank đã và đang quyết liệt cùng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng hệ thống chính trị triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hiện thực hóa “mục tiêu kép”, góp phần đưa sản xuất, kinh doanh hồi phục nhanh sau dịch bệnh.
Triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Thời gian qua, toàn ngành ngân hàng đã và đang triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và có hiệu quả các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tập trung các nguồn lực thực hiện kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người vay vốn bị thiệt hại bởi dịch bệnh Covid-19, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao.
Ngành ngân hàng triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Agribank triển khai chương trình tín dụng dành 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Chương trình này được Agribank áp dụng cho các khoản vay giải ngân từ ngày 01/4/2020 đến thời điểm sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 hoặc đến khi giải ngân hết gói tín dụng này. Khách hàng là đối tượng của chương trình sẽ được áp dụng lãi suất thấp hơn 1% (đối với khoản vay bằng Đồng Việt Nam) và thấp hơn 0,5% (đối với khoản vay bằng ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại.
Trước đó, từ 17/3/2020, Agribank thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên nhằm hỗ trợ khách hàng vay vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước. Agribank tiếp tục giảm lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thêm 0,5%/năm, theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa chỉ 5,5%/năm; Trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm. Đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hiện nay Agribank giảm lãi suất tối đa 1%/năm (đối với VNĐ), 0,5%/năm (đối với ngoại tệ).
Ngay từ đầu tháng 2/2020, Tổng giám đốc Agribank ban hành văn bản chỉ đạo các chi nhánh trên toàn hệ thống triển khai các giải pháp tín dụng hỗ trợ khách hàng khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tổng Giám đốc Agribank chỉ đạo các chi nhánh trên toàn hệ thống triển khai rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó lưu ý các khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, xuất khẩu, đặc biệt các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu và xuất khẩu thị trường Trung Quốc, có nhiều lao động người Trung Quốc, các doanh nghiệp đầu mối các mặt hàng nông sản khó bảo quản, thời gian thu hoạch và tiêu thụ ngắn, các vùng sản xuất hàng hóa lớn như khu vực Tây Nguyên, Tây Nam bộ, duyên hải miền Trung… Các Chi nhánh Agribank trên cả nước chủ động làm việc với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kịp thời áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi tiền vay; linh hoạt đối tượng đầu tư thay thế phù hợp; cân đối, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, cho vay mới nhằm duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh.
Song song với triển khai các giải pháp về tín dụng, Agribank tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá, khuyến khích khách hàng nhận biết, ưu tiên sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử Mobile Banking, Internet Banking, thanh toán không tiếp xúc, thanh toán không dùng tiền mặt, vừa đảm bảo hoạt động thông suốt trong việc cung ứng dịch vụ ngân hàng cho người dân và cả nền kinh tế, vừa đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, mặt khác góp phần hạn chế tối đa việc di chuyển đi lại, tuân thủ nghiêm túc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng.
Phát huy trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng
Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19” của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành Ngân hàng đã ủng hộ 140 tỷ đồng phòng chống dịch Covid-19, riêng Agribank ủng hộ 10 tỷ đồng.
Chung tay phòng chống dịch Covid-19
Gần 40.000 cán bộ, nhân viên, người lao động Agribank trên toàn hệ thống ủng hộ tối thiểu 01 ngày lương/người chung tay ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid- 19 và hạn hán xâm nhập mặn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Tại nhiều địa phương trên cả nước, các Chi nhánh của Agribank đã trao ủng hộ kinh phí, trang thiết bị y tế ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19, lan tỏa tinh thần “tương thân, tương ái”, trách nhiệm đối với cộng đồng.
Trước đó, góp phần chia sẻ, tiếp sức và hỗ trợ người dân xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, địa phương đầu tiên thực hiện cách ly phòng, chống dịch Covid-19, ngày 21/02/2020, Agribank đã ủng hộ địa phương này 800 triệu đồng từ nguồn đóng góp ủng hộ của các cán bộ, đoàn viên thanh niên Agribank.
Đến nay, chuỗi hoạt động an sinh xã hội chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19 vẫn đang được toàn hệ thống Agribank triển khai tích cực.
Tiên phong trang bị nước rửa tay sát khuẩn tại 100% ATM, CDM
Để đảm bảo an toàn đối với khách hàng trong giao dịch, Agribank chủ động sớm triển khai các giải pháp trong phòng chống dịch Covid-19 trên cơ sở tuân thủ các khuyến nghị, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Agribank là NHTM đầu tiên triển khai sớm nhất việc thông báo khuyến cáo và trang bị nước rửa tay tại 100% máy giao dịch tự động (ATM, CDM); thực hiện vệ sinh khử trùng tiền mặt (bó, bao) thu về trước khi nhập kho cuối ngày; Trang bị khẩu trang, găng tay, nước rửa tay sát khuẩn và bảo hộ lao động… cho nhân viên giao dịch trực tiếp tiếp xúc với tiền mặt tại các điểm giao dịch; đồng thời tặng khẩu trang y tế, cung cấp nước rửa tay sát khuẩn đối với khách hàng đến giao dịch; thực hiện khử trùng, sát khuẩn, vệ sinh thường xuyên tại các khu vực giao dịch tiền mặt, kho quỹ…
Tiên phong trang bị nước rửa tay sát khuẩn tại 100% ATM, CDM
Bên cạnh đó, Agribank đẩy mạnh công tác truyền thông, chia sẻ rộng rãi hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp phòng, chống dịch đến đông đảo khách hàng và cộng đồng trên các kênh truyền thông của Agribank: Cổng thông tin điện tử (Website Agribank), các bản tin (Tờ thông tin, Agribank News), Fanpage Agribank, thông báo phát trên các màn hình LCD… tại các trụ sở giao dịch của Agribank. Thực hiện truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chương trình Agribank triển khai hỗ trợ người dân, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để nắm bắt tìm hiểu thông tin, cùng phối hợp ngân hàng tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn.
Agribank đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19, xây dựng kịch bản ứng phó theo ba cấp độ, đưa ra những phương án dự phòng phù hợp; tăng cường truyền thông nội bộ quán triệt đến toàn thể cán bộ, nhân viên nhận thức đúng về tình hình, tính chất nguy hiểm và tác hại của dịch Covid-19, tuân thủ thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên trong việc chủ động, tích cực phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng; Tổ chức kiểm tra thân nhiệt cho cán bộ, người lao động và khách đến giao dịch, công tác trước khi vào cơ quan, đơn vị bằng các hình thức phù hợp với điều kiện thực tế…
Với sự quyết liệt, quyết tâm cùng Chính phủ, hệ thống chính trị cùng toàn thể người dân cả nước chung tay nỗ lực đẩy lùi chiến thắng dịch bệnh, Agribank tin tưởng thông qua những giải pháp, hành động cụ thể tiếp tục cùng ngành ngân hàng triển khai hiệu quả chính sách tiền tệ, góp phần tích cực vào việc củng cố các nền tảng vĩ mô, tạo điều kiện tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống sau dịch bệnh.
Viết Chung