Từ thực tế này, Hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu TP. Hà Nội đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội vừa ra mắt Chương trình “ Nói không với hàng giả”.

Đây là chương trình chuyên sâu về chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu, nhằm giúp cho người tiêu dùng nhận biết về hàng thật, hàng giả. Đồng thời chương trình cũng nhằm tôn vinh những sản phẩm có chất lượng tốt, bảo vệ thương hiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, góp phần tẩy chay, ngăn chặn việc sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn trên địa bàn thành phố. Với chuyên mục 10 phút/tuần, chương trình "Nói không với hàng giả" sẽ cập nhật những thông tin mới nhất về việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn Thành phố cũng như cả nước.

Ra mắt chương trình “Nói không với hàng giả” - Hình 1

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, từ năm 2014 đến năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý  45.384 vụ việc về hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, triệt phá nhiều đường dây sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Những kết quả nêu trên đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, mặc dù trong năm 2017 và 9 tháng năm 2018, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện 34.733 vụ sản xuất hàng giả, vi phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nhãn hàng hoá nhưng chưa đáp ứng được mong muốn của các nhà sản xuất, kinh doanh hợp pháp và người tiêu dùng.

Riêng trên địa bàn Hà Nội, trong tháng 8/2018, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã thanh tra, kiểm tra 3.002 vụ, xử lý 2.251 vụ; đã khởi tố hình sự 8 vụ đối với 7 đối tượng. Tổng thu nộp ngân sách là hơn 294 tỷ đồng. Mặc dù đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát, tuy nhiên tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn xảy ra trên địa bàn thành phố, chủ yếu là đối với các nhóm mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu thụ cao như rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá điếu, thực phẩm chức năng,...

Tuy nhiên,  kết quả này chưa tương xứng với tình hình thực tế, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn biến hết sức phức tạp cả về quy mô và tính chất từ thành thị đến nông thôn, các mặt hàng hết sức đa dạng từ đồ ăn, nước uống đến hàng hóa chất lượng cao như đồ điện tử, phim, nhạc....

Đáng chú ý, lợi dụng sự thiếu quan tâm của các DN trong bảo vệ thương hiệu, sản phẩm và sự thiếu hiểu biết, không được cập nhật kiến thức, thông tin đầy đủ của người dân trong phân biệt hàng thật, hàng giả, các đối tượng đã tìm cách nhập lậu các loại hàng giả mang nhãn mác của Việt Nam hoặc các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài có nhu cầu tiêu thụ cao, sau đó cung cấp ra thị trường. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của người tiêu dùng và uy tín, thương hiệu của các DN trên địa bàn thành phố.

Nguyên nhân khiến cho vấn nạn hàng giả chưa được loại trừ là do lợi nhuận rất lớn từ việc sản xuất, kinh doanh loại hàng này; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa chặt chẽ, các vụ việc vi phạm chỉ xử lý hành chính chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm.

Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở một số đơn vị, địa phương chưa thực sự thường xuyên, quyết liệt, có lúc, có nơi buông lỏng, thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp lực lượng trong triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; còn nể nang, né tránh việc xác định, xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị để xảy ra hàng giả vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phức tạp kéo dài.

PV