Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận một trường hợp cấp cứu, người bệnh vào viện lúc 18h ngày chủ nhật và đã mất thị lực mắt bên phải (mi mắt phải sụp toàn bộ).

Thời gian gần đây, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận nhiều ca bệnh tương tự. Qua đó có thể thấy, việc làm đẹp bằng cách tiêm chất làm đầy (filler) đang rất được ưa chuộng. Bản chất điều này không xấu, nhưng không phải ai cũng đủ sáng suốt và tỉnh táo để thực hiện biện pháp làm đẹp này sao cho đúng, đẹp mà vẫn đảm bảo an toàn.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đã mất thị lực mắt bên phải

Theo chia sẻ của ThS.BS Trần Huyền Trang - Khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Bệnh nhân nam (19 tuổi) vào viện trong tình trạng mất thị lực mắt bên phải (mi mắt phải sụp toàn bộ).

Người bệnh kể lại đã được tiêm filler tại một cơ sở thẩm mỹ bên ngoài, sau khi tiêm đã bị mất thị lực hoàn toàn. Khi người bệnh nhập viện đã khá muộn, chúng tôi nghĩ ngay đến nguyên nhân tắc động mạch trung tâm võng mạc.

Khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội lập tức liên hệ với Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp điện quang, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để cùng phối hợp can thiệp ngay cho người bệnh. Tuy nhiên, ca bệnh đã qua giờ vàng và người bệnh bị tắc động mạch trung tâm võng mạc là một động mạch rất nhỏ nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, khuyến cáo khi gặp sự cố tương tự, cần lập tức đưa người bệnh tới ngay cơ sở y tế uy tín và gần nhất. Người trực tiếp thực hiện việc tiêm filler phải nắm được đâu là vị trí tiêm sẽ gặp rủi ro cao như vị trí quanh mắt, thái dương, vùng trán…

Và người có nhu cầu làm đẹp hãy đến các cơ sở uy tín để được bác sĩ có chứng chỉ hành nghề tư vấn và thực hiện thủ thuật ngăn ngừa rủi ro cũng như những biến chứng gây hậu quả nặng nề.

ThS.BS Trần Huyền Trang - Khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
ThS. BS. Trần Huyền Trang - Khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Theo TS. BS. Nguyễn Ngọc Cương - Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp điện quang, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội:

Tiêm filler là tiêm một chất làm đầy các hố trũng, các rãnh và nếp nhăn, giúp cho khuôn mặt trở nên đầy đặn, trơn láng mịn màng. Chất để tiêm có nhiều loại: Mỡ tự thân, Hyaluronic Acid (HA), collagen, calcium hydroxyapatite… Kỹ thuật tiêm vô cùng đơn giản, đào tạo nhanh, hiệu quả cao, vì vậy số lượng ca tiêm ở Việt Nam và trên thế giới đang và sẽ tiếp tục tăng.

Rất nhiều báo cáo khoa học về các ca lâm sàng về việc mất thị lực sau tiêm filler nhưng dưới dạng báo cáo từng ca bệnh (case report). Có một nghiên cứu gần đây tổng hợp tất cả các ca như vậy trong y văn và người ta đếm được tổng số 190 trên thế giới (tài liệu tham khảo). Xin nhấn mạnh trên thực tế thì số tai biến này lớn hơn nhiều so với những ca được báo cáo khoa học công bố trên tạp chí chuyên ngành.

Nguyên nhân gây mất thị lực hoàn toàn là do tắc động mạch trung tâm võng mạc (Retina artery occlusion - RAO). Động mạch võng mạc là một nhánh của động mạch mắt, tách từ động mạch cảnh ở trong não. Vậy tiêm vào vùng mặt thì sao tắc động mạch mắt? Lý do là, từ các vòng nối tự nhiên của động cảnh trong với động mạch cảnh ngoài thông qua động mạch mắt.

Có 2 vị trí nối là từ động mạch sàng trước ở vùng mũi và động mạch màng não trước ở vùng trán, hai nhánh nối này sẽ giúp cho mắt không bị mù nếu lỡ động mạch cảnh trong cùng bên bị tắc. Ngoài ra, theo các nghiên cứu, có nhiều vòng nối tự nhiên của động mạch mắt với động mạch hàm trong thuộc động cảnh ngoài mà không thể thấy được trên bất kỳ phương tiện hình ảnh nào. Trừ khi, luồn ống thông vào sâu mà bơm áp lực cao thì mới xuất hiện hoặc một nhánh nào đó bị tắc khi luồng thông mới được mở ra.

Khi tiêm vào các vị trí quanh mắt, vùng gốc mũi, trán… là nơi tiềm ẩn các vòng nối động mạch, chính động tác vừa rút kim vừa bơm chất filler khiến cho ta không biết là kim có đi qua mạch máu không đã là một nguy cơ rất lớn của việc bơm chất filler vào một nhánh động mạch nhỏ nằm ở dưới da.

Nếu nhánh động mạch này thông với động mạch mắt thì chất filler đi theo vòng nối thông trôi vào động mạch mắt, tới động mạch trung tâm võng mạc hoặc thậm chí có thể đi vào động mạch cảnh trong lên tắc động mạch não. Đã có những báo cáo về đột quỵ não sau tiêm filler.

Xử trí kịp thời để không xảy ra hậu quả đáng tiếc

TS.BS Bùi Hữu Quang ­- Khoa Mắt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: Mất thị lực do tiêm filler thời gian gần đây chúng ta gặp khá nhiều, đây là một biến chứng không hiếm gặp trong và sau khi tiêm filler nhưng có thể để lại hậu quả nặng nề gây mất thị lực. Thời gian là quan trọng nhất để lấy lại thị lực cho bệnh nhân. Nếu không can thiệp kịp thời thì mọi việc làm sau đó là vô nghĩa.

Sau đây là một số động tác cần thực hiện đồng thời khi đưa người bệnh đến bệnh viện: Mát-xa ép vừa phải vào vùng mắt theo chuyển động tròn từ trong ra ngoài (ấn vào nhãn cầu) để hạ nhãn áp. Tiêm truyền tĩnh mạch dung dịch Manitol nhằm làm giảm nhanh áp lực của nhãn cầu, động mạch mắt được nới lỏng sức ép sẽ giãn ra.

Ngoài ra, ngậm dưới lưỡi thuốc Isosorbide Dinitrat nhằm giãn mạch trực tiếp. Thở Carbogen (CO2 5 %, O2 95%) bằng cách dùng túi giấy/nilon úp vào mặt người bệnh để thở, khi ấy lượng khí CO2 sẽ cao và giúp giãn mạch. Lưu ý, tất cả các thao tác trên chỉ thực hiền nhằm hỗ trợ hạ nhãn áp và giãn mạch không thay thế được việc đưa người bệnh đến bệnh viện uy tín gần nhất để can thiệp kịp thời.

TS.BS Bùi Hữu Quang - Khoa Mắt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
TS. BS. Bùi Hữu Quang - Khoa Mắt - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Nhu cầu làm đẹp là rất lớn. Tuy nhiên, người dân phải sáng suốt và tỉnh táo khi sử dụng các biện pháp thẩm mỹ, đặc biệt là các biện pháp xâm lấn.

Các kỹ thuật trước khi thực hiện cần được tìm hiểu:

Kỹ thuật phải nằm trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép. Đồng thời, người bệnh cần lựa chọn những cơ sở làm đẹp uy tín hoặc các bệnh viện lớn, để khi có sự cố xảy ra, người bệnh có thể được can thiệp ngay trong giờ vàng để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Hương Thảo