THCL SGK được biên soạn, xuất bản tùy tiện, một số nội dung được nêu trong sách phản cảm, gây tác động tiêu cực tới học sinh - là những bất cập liên quan đến chất lượng SGK hiện nay.
Còn đâu “Khuôn vàng, thước ngọc”?
Với sự hỗ trợ của UNESCO nhằm giảm thiểu và xóa bỏ định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới trong chương trình tổng thể, một số cuốn sách được đưa ra rà soát, gồm: SGK tự nhiên xã hội lớp 1; Giáo dục công dân lớp 6 và SGK giáo dục công dân lớp 10. Sau khi rà soát, các chuyên gia nhận thấy, có rất nhiều hình ảnh và kiến thức còn khiếm khuyết, thể hiện sự bất bình đẳng giới cần phải chỉnh sửa.
Chẳng hạn, hình ảnh các chiến sỹ công an, nhà khoa học, bác sỹ… là hình ảnh nam giới. Còn hình ảnh người đi chợ, nấu cơm, bế ru con, sinh hoạt nội trợ… là nữ giới. Các hình ảnh trẻ em đá bóng, vi phạm pháp luật giao thông… là hình ảnh trẻ em nam. Trong khi hình ảnh bé gái thì làm các việc quét nhà, thổi cơm, bế em…
Trong những cuốn sách này, còn nhiều câu ca dao, tục ngữ thể hiện sự đau khổ, than thân trách phận của người phụ nữ trong chế độ xã hội xưa; một số đoạn trích trong Truyện Kiều cũng thể hiện sự đau khổ của người phụ nữ… cần phải thay đổi do không còn phù hợp với thực tế hiện nay.
Theo bà Trần Phương Nhung, Giám đốc Chương trình về Giới của UNESCO, không những hình ảnh mà về nội dung, nhiều kiến thức trong SGK phổ thông hiện hành còn thể hiện sự bất bình đẳng giới.
“Khi chúng tôi đưa các hình ảnh bất hợp lý này ra, nhiều đại biểu dự tập huấn đã ồ lên ngạc nhiên. Bởi lâu nay, người ta vẫn thấy các hình ảnh này bình thường, nhưng khi đặt ra so sánh mới thấy quả thật đang thể hiện sự bất bình đẳng giới trong chính các cuốn sách”, bà Nhung bày tỏ.
Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những khiếm khuyết về chất lượng các bộ SGK hiện nay. Theo đánh giá của thầy giáo Bùi Gia Nội, giáo viên dạy bộ môn Vật lý tại tỉnh Phú Thọ, mặc dù theo kế hoạch SGK được bổ sung chỉnh sửa định kỳ, nhưng ở rất nhiều bộ môn như Sinh học, Địa lý, Kỹ thuật, Tin học…, nội dung sách đã quá lạc hậu. Đơn cử, Môn Địa lý SGK lớp 12 ghi thu nhập trung bình của Việt Nam là 500 USD/người/năm, thuộc nhóm nước có thu nhập thấp; nhưng hiện nay đã vào khoảng 2.000 USD/người/năm và đã thuộc nhóm nước có nền kinh tế đang phát triển ở mức trung bình. Hay như về dân số năm 2015 - 2016, Việt Nam đã đạt 91 triệu người và hiện chúng ta có khoảng 4 triệu người Việt sinh sống ở nước ngoài, vậy mà theo sách giáo khoa, học sinh vẫn phải học các con số của năm 2006 là dân số trên 84 triệu và số người sinh sống ở nước ngoài là 3,2 triệu…
Tồn tại quá nhiều bất cập, trong khi trên thực tế, bộ SGK là học liệu quan trọng nhất trong hoạt động dạy và học, từng được coi là "khuôn vàng thước ngọc" đối với thầy cô và học sinh. Bởi vậy, trong Luật Giáo dục đã quy định "SKG là tài liệu quan trọng, mang tính pháp lý trong dạy và học". Trên thế giới, các nhà giáo dục cũng đánh giá vai trò quan trọng của SGK. Bởi SGK là phương tiện dạy học quan trọng nhất, có vai trò to lớn trong việc rèn luyện các kỹ năng và hình thành năng lực học tập cho học sinh.
Mượn sách giáo khoa, cách làm hay
Thực tế, tại nhiều quốc gia đang phát triển cho thấy, đổi mới giáo dục mà trong đó đổi mới SGK phải được coi là việc đầu tiên để chấn hưng đất nước. Các nước Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã thực hiện điều này.
Tại Nhật Bản, trong cuộc cách mạng Minh Trị (1866 - 1869), Nhật Hoàng đã dũng cảm từ bỏ chương trình giáo khoa Kinh Sử truyền thống để đưa chương trình giáo khoa hiện đại của Mỹ và phương Tây vào giảng dạy. Kết quả, đến cuối thế kỷ XIX, Nhật Bản đã trở thành quốc gia hùng cường. Còn tại Hàn Quốc, khẩu hiệu "Giáo dục là để thay đổi số phận bản thân và vận mệnh tổ quốc" và một trong việc làm của người Hàn Quốc là đổi mới SGK của họ theo chương trình sách giáo khoa nước Nhật. Kết quả, đến cuối những năm 1980, họ đã làm lên "Kỳ tích Sông Hàn" - đưa đất nước Hàn Quốc trở thành nhóm các nước phát triển thế giới.
Trong những năm gần đây, từ Ấn Độ đến Pháp và Chile, nhiều nước đã theo cách dạy toán nổi tiếng của Singapore. Đó là sử dụng phương tiện trực quan như các vật thể, hình ảnh và sơ đồ để dạy các khái niệm toán học.
Các quan chức giáo dục và nhà xuất bản ở nước ngoài đang chú ý hơn tới cách giảng dạy toán ở Singapore sau khi học sinh nước này đứng đầu về toán học và cách giải quyết vấn đề trong các kỳ thi quốc tế. Tổng cộng có 10 quốc gia đang sử dụng sách giáo khoa tùy chỉnh dựa trên sách toán học Singapore của NXB Marshall Cavendish Education. Trong khi cách đây 5 năm, chỉ có 2 quốc gia là Thái Lan và Libya làm như vậy.
Thầy giáo Bùi Duy Nội nhấn mạnh, việc thay đổi, cập nhật SGK là nhu cầu bức thiết trong đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Bộ GD&ĐT cũng nên yêu cầu khắt khe hơn về đội ngũ biên soạn và nội dung. Đặc biệt, cần tránh xảy ra tình trạng lãng phí về ngân sách và nguồn lực, trong khi đất nước còn nhiều khó khăn về tài chính.
Cao Huyền