THCL “Do công tác quản lý xuất bản yếu kém đã dẫn đến tình trạng, hễ sách nào bán chạy trên thị trường thì ngay lập tức bị in lậu, làm giả - Đó là nhận định của ông Phạm Ngọc Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP).

Bước vào đầu năm học mới, sách lậu lại nóng lên và số vụ bị cơ quan chức năng phát hiện là không nhỏ. Ý kiến của ông ra sao?

Ở Hà Nội, từ lâu, sách lậu đã hoành hành tại các tuyến phố như Phạm Văn Đồng, đường Láng... Mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục nghìn cuốn sách lậu của nhiều nhà xuất bản. Trong đó, số lượng nhiều nhất thuộc về NXB Giáo dục, tại Công ty CP Đầu tư và Tư vấn giáo dục Văn Hiến (số 105, phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy, Long Biên). Điều này cho thấy mức độ in ấn, phát hành sách lậu ngày càng trở nên tinh vi và khó kiểm soát.

Theo ông thì việc sách lậu tồn tại gây hậu quả tới đâu?

Hậu quả của việc in sách lậu, trước hết nó gây thiệt hại về kinh tế, uy tín lớn cho cơ quan, đơn vị và cá nhân có bản quyền về sách. Thứ nữa, làm cho thị trường sách bị xáo trộn không kiểm soát được, gây tâm lý chán nản cho người viết sách, làm thui trột đi sự sáng tạo của nhà sáng tác, nhà xuất bản chân chính, khiến họ không muốn, không dám viết sách, dẫn đến việc in ấn, phát hành sách bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc tồn tại của sách lậu làm sói mòn lòng tin của bạn đọc, giảm niềm tin vào sự quản lý của các cơ quan nhà nước.

Trong bối cảnh hội nhập, sách của nước ngoài vào Việt Nam nhưng bị in lậu thì chắc chắn, cơ quan quản lý xuất bản sẽ bị phạt rất nặng vì vi phạm bản quyền.

Những nguyên nhân nào dẫn tới việc sách lậu hoành hành?

Theo tôi, có 2 nguyên nhân chính: Một là, do cơ quan chức năng buông lỏng quản lý; Hai là, một số người trong lực lượng thực thi “bảo kê” - tiếp tay cho sách lậu.

Hiện nay, cơ quan chức năng quản lý theo kiểu chạy theo - tức là khi phát hiện có sách in lậu thì mới vào cuộc để truy tìm, thu giữ, tốn nhiều công sức nhưng chỉ giải quyết được phần ngọn. Vấn đề đặt ra là không chỉ có sách lậu, mà còn có cả sách nhảm nhí bày bán tràn lan trên thị trường. Vì vậy, cần phải quản lý từ gốc. Không thể nói rằng, lực lượng QLTT không biết việc in sách lậu tồn tại, vì muốn in sách thì phải có địa điểm xưởng in, trang bị máy móc...

Vậy biện pháp khắc phục tình trạng sách lậu là gì?

Chúng ta cần xem lại chính sách đã phù hợp chưa? Tới đây, Luật Xuất bản được sửa đổi, theo tôi, chúng ta nên cho tư nhân tự chủ, tránh tình trạng “không quản được thì cấm”. Bởi hoạt động xuất bản cũng theo quy luật kinh tế thị trường, do đó, không thể quản theo tư duy bao cấp mà cho phép tư nhân xuất bản - có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan nhà nước.

Do mức phạt sách lậu quá thấp không đủ sức răn đe, lực lượng chức năng chưa làm tròn trách nhiệm khiến sách lậu hoành hành. Vì vậy, cần biện pháp đồng bộ trong việc ngăn chặn và đẩy lùi sách lậu; đưa ra mức phạt đủ sức răn đe; có chế độ khuyến khích lực lượng thực thi khi phát hiện xử lý sách lậu; có biện pháp trừng trị nghiêm khắc những cán bộ biến chất bảo kê, tiếp tay cho sách lậu, kiên quyết xử lý đưa ra khỏi ngành những kẻ biến chất đó; nâng cao công tác tuyên truyền cho người dân; tăng cường công tác chống giả như sử dụng con tem chống giả; NXB, nhà in, tác giả cần tiết kiệm trong khâu sản xuất để hạ giá thành - biện pháp ngăn chặn sách lậu hiệu quả. Ngoài ra, việc kết hợp giữa các cơ quan chức năng và các biện pháp tự chống giả của NXB (có thể dùng tem cào) thì sách lậu không còn đất sống.

Cần có sự gắn kết giữa các bên như quyền tác giả, tác phẩm - NXB - truyền thông. Nhiệm vụ của cơ quan truyền thông là chuyển tải những thông tin, phân biệt giữa sách thật và giả; tăng cường tuyên truyền ý thức, vận động người dân tẩy chay sách lậu. Muốn vậy, thông tin về sách phải đầy đủ, cần sự kết hợp và hỗ trợ của các NXB (sách in số lượng bao nhiêu, nhà in nào…), cảnh báo là sách đã bị in lậu trên thị trường để người tiêu dùng biết chọn mua…

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoan Nguyễn (Thực hiện)