Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, hiện 9 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động đều bảo đảm đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường theo quy định, gồm: Hệ thống quan trắc nước thải tự động, hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống thoát nước mưa, khu vực lưu giữ chất thải rắn và các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khác.

Riêng khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, ngay khi đầu tư xây dựng, Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản đã dành 20% diện tích toàn khu cho hệ thống cây xanh, mặt nước và đường giao thông.

Dây chuyền công nghệ hiện đại của Công ty Honda Việt Nam
Dây chuyền công nghệ hiện đại của Công ty Honda Việt Nam

Chủ động tham gia vào chiến dịch sản xuất xanh thân thiện môi trường và bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng hơn đến sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại; đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ, trang thiết bị sản xuất hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh.

Là doanh nghiệp FDI đi đầu về sản xuất xanh, đóng góp cho xã hội, những năm qua, Công ty Toyota Việt Nam đã tập trung đầu tư, ứng dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường vào sản xuất. Triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường tại nhà máy, đại lý; sản xuất các mẫu xe mới có mức khí xả thấp với thông điệp “vì một xã hội không phát thải khí CO2”. Cùng với đó, thực hiện chu trình xanh khép kín trên toàn bộ hệ thống, từ nhà máy, nhà cung cấp tới các đại lý nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường đất, nước và không khí.

Đi đầu trong sản xuất camera và các loại linh kiện cho camera điện thoại thông minh, dụng cụ quang học chính xác, action camera, những năm qua, Công ty TNHH Haesung vina, Khu công nghiệp Khai Quang luôn hướng tới sản xuất xanh từ việc sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, tăng cường tái chế, hạn chế ô nhiễm và chất thải trong các quy trình sản xuất.

Đồng thời, tăng cường tìm kiếm các nguồn nguyên liệu đầu vào thân thiện với môi trường, thay thế bóng đèn huỳnh quang bằng các bóng đèn led; lắp đặt biến tần cho hệ thống máy nén khí; lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên diện tích mái nhà xưởng để phục vụ sản xuất… Qua đó, góp phần tiết kiệm được khoảng 500.000 kw điện/năm, giảm thiểu chi phí vận hành và lượng phát thải khí nhà kính.

Cũng hướng tới sản xuất xanh, ngay từ khi đầu tư xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Bá Thiện II năm 2016, Công ty TNHH Solum Vina đã tập trung đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hóa cao ở các khâu sản xuất; xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao. Phối hợp với Trường cao đẳng nghề Vĩnh Phúc đào tạo những lao động có tay nghề trong lĩnh vực công nghệ cao. Hiện trung bình mỗi tháng, công ty sản xuất, cung cấp hơn 10.000 sản phẩm/tháng cho các hãng điện tử nổi tiếng như Samsung, Apple, Panasonic, Sony…

Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số doanh nghiệp, khó khăn nhất trong chuyển đổi sang sản xuất xanh hóa hiện nay là nhận thức, tài chính và nguồn lực về con người. Trong đó, vấn đề về tài chính, nhu cầu vốn để xanh hóa là rất lớn mà không phải doanh nghiệp nào cũng có tiềm lực đủ mạnh về tài chính để thực hiện.

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất xanh, các doanh nghiệp mong muốn chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục có những chính sách khuyến khích và ưu tiên các đơn vị sản xuất xanh, sạch hơn; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang nền sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững.

Hà Trần (t/h)