Nhận lời mời của Tổng thống Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Mohamed bin Zayed Al Nahyan, Thủ tướng Nhà nước Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jasim Al-Thani, Hoàng Thái tử kiêm Thủ tướng Vương quốc Saudi Arabia Mohammed Bin Salman, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức UAE, Qatar, tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 và thăm làm việc tại Saudi Arabia từ ngày 27/10 - 1/11.
Chuyến đi theo lời mời của Tổng thống Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) Mohamed bin Zayed Al Nahyan, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nhà nước Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jasim Al-Thani, Hoàng Thái tử, Thủ tướng Vương quốc Saudi Arabia Mohammed Bin Salman.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến UAE và Qatar sau 15 năm, chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tới Saudi Arabia từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và cũng là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ là khách mời chính và Lãnh đạo Cấp cao duy nhất của Châu Á phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 do Saudi Arabia tổ chức.
Chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm góp phần củng cố tin cậy chính trị, nâng tầm quan hệ, tạo đột phá trong quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư và các lĩnh vực mới; tạo động lực mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam với ba nước cũng như với khu vực vùng Vịnh - một trong những khu vực phát triển năng động hàng đầu thế giới, đứng đầu về trữ lượng dầu mỏ, có các trung tâm tài chính hàng đầu, đang đi đầu trong chuyển đổi mô hình phát triển mới theo hướng đa dạng hóa nền kinh tế và đang đón đầu các xu thế mới về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. UAE, Qatar và Saudi Arabia nằm trong những nước có quy mô kinh tế và vai trò quan trọng nhất tại Trung Đông.
Cả ba nước UAE, Qatar, Saudi Arabia và khu vực vùng Vịnh là những đối tác, những thị trường, những nhà đầu tư, những trung tâm tài chính, trung tâm công nghệ mà tiềm năng, dư địa hợp tác với Việt Nam còn rất lớn. Theo đó, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho những lĩnh vực hợp tác truyền thống, tạo đột phá mới thúc đẩy những lĩnh vực tiềm năng và trên hết tạo dựng một cách vững chắc sự tin cậy chính trị để mở đường cho một giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam và 3 nước cũng như toàn khu vực.
Chuyến thăm là bước triển khai thiết thực, sinh động đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó ưu tiên đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, góp phần tiếp tục củng cố môi trường hòa bình, hợp tác, thu hút tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.
Có thể nói, trong triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam, UAE, Saudi Arabia và Qatar là những đối tác hợp tác hữu nghị quan trọng, lâu dài và toàn diện trên các lĩnh vực tại khu vực Trung Đông. 3 nước cũng xác định, Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại Đông Nam Á, coi trọng quan hệ với Việt Nam trong chính sách “Hướng Đông”. Thời gian qua, quan hệ Việt Nam với UAE, Saudi Arabia và Qatar đang trên đà phát triển tốt đẹp với nhiều kết quả thực chất, sự phối hợp ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương ngày càng chặt chẽ hơn.
Việt Nam và UAE thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1/8/1993. UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - Châu Phi, kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 4,7 tỷ USD. Trong 7 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang UAE 3,37 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023. 2 nước đã khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) trong tháng 6/2023 và đang hướng tới hoàn tất đàm phán CEPA nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến tháng 6/2024, UAE có 41 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) tại Việt Nam với lũy kế tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 71,6 triệu USD. Việt Nam hiện có khoảng 3.000 lao động tại UAE. Hai nước chia sẻ nhận thức chung về tầm quan trọng của việc sớm nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, quy mô kinh tế và kỳ vọng của hai bên.
Việt Nam và Saudi Arabia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/10/1999. Saudi Arabia là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi với kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 2,68 tỷ USD. Các tập đoàn kinh tế lớn của Saudi Arabia đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam. Việt Nam hiện có khoảng 4.000 lao động tại Saudi Arabia.
Việt Nam và Qatar thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 8/2/1993. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2023 đạt 368 triệu USD, trong đó ta xuất khẩu sang Qatar 285,6 triệu USD.
Hiện Qatar có 1 dự án đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đăng ký 3,23 triệu USD.
Năm 2008, Việt Nam từng có trên 10.000 lao động tại Qatar nhưng hiện chỉ còn khoảng 300 lao động ở Qatar, chủ yếu là lao động phổ thông có thời hạn.
Với tiềm lực mạnh về năng lượng, tài chính, Qatar là đối tác kinh tế, đầu tư tiềm năng lớn đối với Việt Nam. Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA) đã và đang nghiên cứu, đẩy mạnh các dự án đầu tư, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và công nghiệp tại Việt Nam. Các lĩnh vực hợp tác khác như giáo dục, lao động thời gian qua cũng có nhiều khởi sắc.
Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Chính phủ sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến, gặp gỡ, trao đổi với tất cả các Lãnh đạo cao nhất, các Quỹ đầu tư và các tập đoàn lớn của ba nước nhằm thúc đẩy quan hệ một cách toàn diện, hiệu quả hơn, nhất là về mở cửa thị trường, thu hút vốn đầu tư chất lượng cao, hợp tác lao động, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, giao lưu nhân dân, chống biến đổi khí hậu, hợp tác trong các lĩnh vực mới như khoa học công nghệ, năng lượng sạch, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển ngành Halal...
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ có các bài phát biểu quan trọng chuyển tải thông điệp về định hướng phát triển, đường lối đối ngoại của Việt Nam, không chỉ với 3 nước mà cũng là thông điệp chính sách với khu vực Trung Đông. Các hoạt động này có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam và các nước tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tin cậy cao hơn, hợp tác chặt chẽ hơn, đồng hành sát cánh cùng nhau hơn trong chặng đường phát triển của mỗi nước cũng như trong nỗ lực đóng góp thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Theo VOV.vn/baoquocte.vn