Vào tháng 3/2025, CTCP Thực phẩm Sao Ta sản xuất 2.549 tấn tôm thành phẩm, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, và tiêu thụ 2.016 tấn tôm thành phẩm, tăng 19%. Sản xuất nông sản thành phẩm đạt 153 tấn, tiêu thụ 89 tấn, tăng lần lượt 36% và 51%.
Doanh thu của công ty trong tháng 3 đạt 23,62 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ. Tính đến quý I/2025, doanh thu lũy kế của Sao Ta đạt 70,52 triệu USD, tăng 41,9% so với cùng kỳ năm 2024.

Tại ĐHĐCĐ tới đây, Sao Ta sẽ đặt mục tiêu kinh doanh đạt 25.000 tấn tôm chế biến, 22.000 tấn tôm tiêu thụ, 1.300 tấn nông sản tiêu thụ. Theo đó, doanh số chung ước đạt 255 triệu USD, tăng gần 2% so với thực hiện năm 2024; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 420 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 2024 (422 tỷ đồng).
Như vậy, kết thúc quý I/2025, Sao Ta ước thực hiện gần 28% mục tiêu doanh số chung cả năm.
Về tình hình nuôi tôm, khu nuôi mới của Công ty đã bắt đầu thả giống vụ chính vào những ngày cuối tháng 3. Theo kế hoạch, khu cũ cũng sẽ tiến hành thả giống giữa tháng 4.
Theo Sao Ta, trong năm nay Công ty sẽ có nhiều thuận lợi khi xung đột thương mại gia tăng chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị xáo trộn, tạo cơ hội để FMC thâm nhập thị trường. Công ty có điều kiện tập trung chuyên môn hoá sản phẩm ở từng nhà máy nhằm giảm chi phí và tăng năng suất.
Sao Ta cũng đang sở hữu vùng nuôi ASC (xác nhận cấp quốc tế đối với thuỷ sản) có diện tích lớn, đủ để đáp ứng nguồn cung cho các hệ thống lớn; trong khi phía khách hàng, thị trường và chất lượng sản phẩm được ổn định.
Tuy nhiên, khó khăn sẽ đến từ việc tôm Việt xuất khẩu sang thị trường Mỹ đối mặt với 2 vụ kiện chống bán phá giá và vụ kiện chống trợ cấp; biến đổi khí hậu khó lường, đầy tiềm ẩn rủi ro nuôi tôm. Đặc biệt là lạm phát suy thoái vẫn chưa cải thiện đáng kể, tình hình cung cầu tôm thế giới gây bất lợi cho tôm Việt Nam.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/4, cổ phiếu FMC giảm 0,42%, về mức 47.100 đồng/CP.
Hà Trần (t/h)