Theo đó, Quyết định nêu rõ, giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tổ chức tiếp nhận nhân sự, bộ máy tổ chức, tài chính tài sản của Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận vào Trường ĐH Nông lâm TP.HCM (Phân hiệu tại Ninh Thuận) theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Việc này, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của nhà trường, không gây khó khăn cho người học, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, cá nhân và tổ chức có liên quan. 

Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận
Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận (Ảnh: Thiện Nhân)

Tiến sỹ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết, sau khi hoàn thành thủ tục sáp nhập, các sinh viên đang học tại Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận sẽ tiếp tục được đào tạo bậc CĐ cho đến khi ra trường. Khi tốt nghiệp, các sinh viên này sẽ nhận bằng CĐ do Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cấp.

Bên cạnh đó, trong tương lai Phân hiệu trường tại Ninh Thuận sẽ mở một số ngành mới đáp ứng nhu cầu nhân lực địa phương và khu vực. Trong đó, đề xuất Bộ GD-ĐT cho phép mở 4 ngành sư phạm bậc ĐH và cấp chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm.

Đươc biết, hiện Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận đã có thông báo tuyển sinh các hệ đào tạo năm 2021. Trong đó, trường tuyển 1 ngành hệ chính quy đào tạo giáo viên là giáo viên mầm non (120 chỉ tiêu). Bên cạnh đó có 32 ngành CĐ chính quy ngoài sư phạm (tiếng Anh và công nghệ thông tin). Ngoài ra, các ngành khác là hình thức tuyển sinh liên thông lên ĐH, ĐH văn bằng 2, bồi dưỡng tiếng dân tộc. Trường này sẽ tiếp tục tuyển sinh các ngành này hết năm nay.

Năm 2000, Trường Sư phạm Ninh Thuận được nâng lên thành Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận, với 84 cán bộ, giảng viên. Trước khi chia tách tỉnh Thuận Hải thành 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, trường còn đào tạo giáo viên THCS, giáo viên tiểu học và giáo viên mầm non cho tỉnh Bình Thuận. Trong 30 năm qua trường đào tạo được 12.385 giáo viên các cấp.

Nguyễn Tùng