Theo đó, các bến xe Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm và Mỹ Đình được chuyển thành các bãi đỗ xe công cộng và bãi trung chuyển. Trong đó, bến xe Giáp Bát, Gia Lâm sẽ đóng cửa từ năm 2020, hai bến còn lại dừng hoạt động từ năm 2030.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, thành phố cũng sẽ xây dựng mới 6 bến xe khách liên tỉnh gồm: Nội Bài (xã Phú Cường, Sóc Sơn: 10ha), Đông Anh (xã Uy Nỗ, Đông Anh: 5,3 ha); Cổ Bi (xã Cổ Bi, Gia Lâm: 10ha); Phùng (thị trấn Phùng, Đan Phượng: 15ha); Phía Tây (Hoài Đức: 5ha); Phía Nam (xã Ngọc Hồi, Thanh Trì: 11 ha) và duy trì hoạt động bến xe Yên Nghĩa. TP Hà Nội đưa ra nguyên tắc xây dựng bến xe khách liên tỉnh mới nằm trên các trục hướng tâm cửa ngõ và vành đai giao thông liên vùng (Vành đai 4), theo các hướng vận chuyển hành khách Đông, Tây, Nam, Bắc.

Sắp xếp bến xe Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm và Mỹ Đình thành bãi đỗ xe công cộng - Hình 1

Lý giải việc này, đơn vị xây dựng quy hoạch cho hay, năm 2003 Hà Nội đã lập Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng đến 2020. Tuy nhiên, do buông lỏng giám sát nên quỹ đất dành cho giao thông tĩnh theo quy hoạch bị sử dụng vào nhiều mục đích khác, dẫn đến không khả thi thực hiện.

Trước đó, liên quan đến quy hoạch bến xe tại Hà Nội, Bộ GTVT cũng có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, theo đó bến xe Gia Lâm được hoạt động đến khi xây dựng xong bến xe Cổ Bi, bến xe Giáp Bát dừng hoạt động khi khai thác bến xe Yên Sở (Phía Nam).

Ngọc Linh