Bắt đầu phát động từ 26/7, HIS-COVID 2021 đã nhanh chóng thu hút được sự tham gia của nhiều cá nhân, tập thể tham gia đóng góp công sức, trí tuệ để ứng dụng giải pháp công nghệ góp phần giúp người dân, doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương ứng phó với tác động của dịch bệnh Covid.

Tủ bảo quản vaccine sinh phẩm made in Vietnam
Tủ bảo quản vaccine sinh phẩm made in Vietnam

Chương trình do Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh khởi xướng và tổ chức, phối hợp triển khai cùng Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC). HIS-COVID 2021 còn nhận được sự phối hợp và tham gia của Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố Hồ Chí Minh: Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh – Saigon Innovation Hub; Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ – Trường Đại học Bách Khoa; Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ cao; Zone Startups Vietnam; Công ty cổ phần quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (ICM); Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo Victory; Viện Đổi mới sáng tạo – Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao (AHBI); Công ty TNHH Ươm tạo doanh nghiệp Phần mềm Quang Trung, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐHQG HCM – IEC

Chỉ sau một tháng triển khai nhận hồ sơ, ban tổ chức chương trình đã nhận được 99 giải pháp đăng ký tham gia chương trình. Trong đó, nhiều giải pháp đã nhận được sự đánh giá cao của hội đồng chuyên gia về cả ứng dụng công nghệ và khả năng ứng dụng thực tế cao trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp.

Tủ bảo quản vaccine sinh phẩm sản xuất trong nước là một trong số những giải pháp như vậy. Tủ bảo quản vaccine đáp ứng tiêu chuẩn WHO/PQS/E003 (5/2010) và có ưu điểm so với các thiết bị trên thị trường hiện nay như: không bám đá, không phải bảo dưỡng, độ dao động nhiệt độ: ± 1,0 °C, độ đồng đều nhiệt độ: ± 1,0 °C, sản xuất trong nước với giá thành thấp.

Khi thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm tập trung, nhân viên lấy mẫu và người lấy mẫu có nguy cơ lây chéo cao. Bên cạnh đó, việc lấy thông tin, viết thủ công bằng giấy mất thời gian và dễ sai sót, làm cho dịch lây lan phức tạp. Để hạn chế những nguy cơ đó, nhóm của tác giả Nguyễn Minh Phát đưa ra giải pháp sử dụng công nghệ mã vạch để giảm sai sót, tăng tốc quá trình lấy mẫu và xét nghiệm Covid-19.

Giải pháp này ứng dụng thực tế đã rút ngắn từ 50-70% tổng thời gian của quy trình lấy mẫu. Cách làm này cũng giảm sai sót nhập liệu cho nhân viên y tế và giảm thời gian chờ lấy mẫu tránh thắt cổ chai ở bàn đăng ký. Thông tin hồ sơ được in kèm với mã vạch và có thể linh động thay đổi theo từng chiến dịch xét nghiệm.

Một số giải pháp lọt vào TOP 50 của chương trình
Một số giải pháp lọt vào TOP 50 của chương trình 

Từ quan sát thực tế, nhóm tác giả Nguyễn Văn Hải nhận thấy dù việc sát khuẩn tay được người dân chủ động thực hiện nhưng các đồ dùng, hành lý xách tay, cầm tay như: Tiền, giấy tờ, điện thoại, đồng hồ, ví cá nhân, túi xách, thẻ nhân viên và các phương tiện khác…. là những vật dụng tiếp xúc thường xuyên hàng ngày vẫn không được sát khuẩn đồng bộ. Do đó, nhóm tác giả đã phát triển “Tủ sát khuẩn tự động đa năng PPS - TSK01” như giải pháp sát khuẩn đồng bộ giúp tăng cường hiệu quả công tác phòng chống dịch.

Tủ tích hợp tất cả các giải pháp khử trùng sát khuẩn bao gồm hệ thống tự động cho việc phun dung dịch sát khuẩn (cồn, gel), diệt khuẩn bằng tia UV kết hợp hệ thống phun phòng dịch từ xa bán tự động. Nhờ đó, người dân có thể sát khuẩn đồng bộ và triệt cả tay và các vật dụng kèm theo.

Các giải pháp trên cùng với các giải pháp khác trong TOP 50 sẽ được hội đồng chuyên gia đánh giá và chọn ra TOP 20 giải pháp để tập huấn và tham gia trình bày trước hội đồng, các nhà đầu tư vào vòng Chung kết tổ chức ngày 13/9. 10 giải pháp xuất sắc nhất sẽ được vinh danh tại  Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh 2021.

 Phạm Sơn