Cục Hàng hải không chấp thuận việc chuyển công năng cảng Tiên Sa trước 2030, cũng như đề xuất xin chỉ định thầu 02 hạng mục tại dự án bến cảng Liên Chiểu của Công ty Cảng Đà Nẵng.
Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GTVT với nội dung từ chối kiến nghị của Công ty Cảng Đà Nẵng về việc đầu tư bến cảng tại Đà Nẵng.
Trước đó, ngày 22/04, Công ty CP Cảng Đà Nẵng có văn bản đề nghị Bộ GTVT cho ý kiến chỉ đạo để doanh nghiệp hoàn thiện, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án di dời, chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa gắn với tiến trình đầu tư khai thác khu bến Liên Chiểu.
Trong đó, tiến trình thực hiện chuyển đổi công năng bến cảng Tiên Sa thành cảng hành khách được doanh nghiệp đề xuất bắt đầu từ năm 2026.
Đồng thời, Công ty Cảng Đà Nẵng đề nghị Bộ GTVT ủng hộ doanh nghiệp này được chỉ định là nhà đầu tư, khai thác 02 bến khởi động khu cảng Liên Chiểu (căn cứ điểm c khoản 04 Điều 22 Luật Đấu thầu).
Theo lý giải của Cục Hàng hải, quy hoạch khu bến Tiên Sa được phê duyệt tại Quyết định số 1579 ngày 22/09/2021 của Thủ tướng đã nêu rõ sau năm 2030 mới từng bước chuyển đổi công năng thành bến cảng du lịch phù hợp với tiến trình đầu tư khai thác khu bến Liên Chiểu.
Theo Bộ KH&ĐT, cảng biển Đà Nẵng bao gồm khu bến cảng Liên Chiểu là cảng biển loại 01, trong đó, khu bến cảng Liên Chiểu có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng và cả nước, tiềm năng cảng cửa ngõ quốc tế tại duyên hải miền Trung. Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - giai đoạn khởi động có tổng mức đầu tư dự kiến là gần 6.484 tỷ đồng, thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, vốn góp bằng tiền mặt của nhà đầu tư là 2.269 tỷ đồng, phần còn lại là vốn vay các tổ chức tín dụng.
Trong khi đó, hồ sơ dự án của Cảng Đà Nẵng thể hiện giá trị tài sản cố định chuyển từ cảng Tiên Sa qua cảng Liên Chiểu năm 2025-2026 là 500 tỷ đồng. Như vậy, vốn góp của nhà đầu tư không phải hoàn toàn bằng tiền mặt, do đó Bộ KH&ĐT đề nghị doanh nghiệp giải thích làm rõ nội dung này và đề nghị làm rõ phương án tăng vốn điều lệ và khả năng huy động vốn của công ty để bảo đảm vốn góp nhà đầu tư vào dự án.
Về đề xuất thời hạn hoạt động dự án lên tới 70 năm, Bộ KH&ĐT cho biết, theo báo cáo tiền khả thi, dự án có thời gian hoàn vốn trong 15 năm được đầu tư tại khu vực không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khó khăn theo quy định nên việc nhà đầu tư đề xuất thời hạn hoạt động dự án 70 năm là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai.
Hữu Hoàng