Saudi Arabia có thể “trụ” được giá dầu giảm đến mức nào? - Hình 1

Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia.

Thủ lĩnh không chính thức của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), đồng thời là quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới dĩ nhiên muốn giá dầu cao hơn mức hiện nay và đã phát tín hiệu sẽ cắt giảm sản lượng tại cuộc họp OPEC vào tuần tới nhằm vực dậy giá dầu.

Tuy nhiên, theo trang CNN Business, trên thực tế Saudi Arabia có thể "trụ" được với mức giá dầu thậm chí còn thấp hơn hiện nay, và việc Riyadh chấp nhận giá dầu thấp sẽ khiến Tổng thống Donald Trump hài lòng.

Giá dầu thô WTI tại New York và giá dầu Brent tại London hiện đang dao động quanh mức tương ứng 51 USD/thùng và 60 USD/thùng, so với mức 76 USD/thùng và 86 USD/thùng hồi đầu tháng 10.

"Cho dù giá dầu có giảm về 40-50 USD/thùng, thì Saudi Arabia cũng không đến nỗi rơi ngay vào tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán", công ty nghiên cứu Capital Economics nhận định trong một báo cáo công bố cách đây ít hôm về ảnh hưởng của giá dầu giảm với các nước vùng Vịnh.

Theo báo cáo này, thậm chí nếu giá dầu còn 30 USD/thùng thì Saudi Arabia vẫn có thể bù đắp được sự chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu bằng cách "rút dự trữ ngoại hối để dùng trong ít nhất 1 thập niên".

Tuy nhiên, giá dầu giảm sâu đến mức như vậy sẽ gây áp lực về ngân sách. Các nhà phân tích ước tính rằng Chính phủ Saudi Arabia đã lên kế hoạch ngân sách 2018 dựa trên dự báo giá dầu 50-55 USD/thùng. Chi phí để khai thác dầu ở nước này là chưa đầy 10 USD/thùng vào năm 2015, và con số này có lẽ đến nay chưa có nhiều thay đổi.

Khi giá dầu giảm sâu vào năm 2014-2015, thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia lên tới 100 tỷ USD vào năm 2015, tương đương 15% GDP. IMF khi đó cảnh báo một số nước vùng Vịnh, bao gồm Saudi Arabia, có thể cạn tiền trong 5 năm nếu giá dầu giữ ở mức thấp.

Năm nay, nhờ giá dầu hồi phục trong 9 tháng đầu năm, thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia đã hạ về mức thấp hơn mục tiêu 5% GDP.

Chính những thách thức về ngân sách mà Saudi Arabia phải đối mặt trong đợt giảm giá dầu cách đây 3 năm đã khiến nước này đưa ra một loạt biện pháp "thắt lưng buộc bụng" như cắt giảm trợ cấp, áp thuế tiêu thụ, đồng thời phát hành trái phiếu quốc tế để vay tiền. Cùng với đó, Riyadh cũng vạch ra chiến lược mang tên Vision 2030 đầy tham vọng để giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu lửa.

Giới phân tích cho rằng các biện pháp tiết kiệm chi tiêu sẽ là cần thiết đối với Saudi Arabia nếu giá dầu giữ ở mức thấp trong năm 2019, nhưng nước này nhiều khả năng sẽ không phải sử dụng đến các biện pháp mạnh trừ phi giá dầu giảm sâu hơn.

Ngoài ra, chắc chắn là Saudi Arabia muốn giá dầu cao hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hồi năm 2017, kinh tế Saudi Arabia đã suy giảm và năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế nước này chỉ đạt mức tăng nhỉnh hơn 2% một chút.

Dù Saudi Arabia đã có nhiều nỗ lực để đa dạng hóa nền kinh tế, dầu thô vẫn đóng góp khoảng 70% thu ngân sách của Chính phủ nước này và ngành dầu lửa vẫn chiếm 40% nền kinh tế Saudi Arabia.

Nếu OPEC đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng dầu trong cuộc họp tuần tới nhằm đẩy giá dầu tăng trở lại, thì đó chắc chắn là điều mà ông Trump không muốn.

Tuần trước, ông chủ Nhà Trắng đã viết trên mạng xã hội Twitter "cảm ơn Saudi Arabia" vì giá dầu giảm, "nhưng hãy để giá dầu giảm sâu hơn nữa". Tuyên bố này được ông Trump đưa ra chỉ một ngày sau khi ông phát tín hiệu sẽ không có hành động cứng rắn đối với Saudi Arabia về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi - vụ việc khiến Riyadh bị phương Tây lên án mạnh mẽ.

Tại thượng đỉnh khối G20 ở Argentina vào cuối tuần này, ông Trump có thể đề nghị thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia và Tổng thống Nga Vladimir Putin không giảm sản lượng khai thác dầu. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ông Trump có thể không thành công.

"Nhiều khả năng Saudi Arabia sẽ thuyết phục được OPEC giảm sản lượng… Nhưng với sức ép từ ông Trump và từ vụ Khashoggi, sự cân nhắc lần này sẽ là khó khăn nhất trong một thời gian dài trở lại đây", ông Bjornar Tonhaugen, trưởng bộ phận thị trường dầu lửa thuộc Rystad Energy, nhận định.

Theo Vneconomy