Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), ông Lê Anh Tuấn vừa giao Cục Hàng không Việt Nam tổ chức trao đổi với Nhà chức trách hàng không nước ngoài, đối tác để quyết định nối lại các chuyến bay quốc tế chở khách thường lệ với các thị trường đã có đường bay trực tiếp đến Việt Nam thời điểm trước dịch Covid-19, ngoài các thị trường đã được triển khai trong tháng Một này.

Cũng theo Thứ trưởng Anh Tuấn, tần suất các đường bay, chuyến bay trong thời gian Tết Nguyên đán nhiều và bảo đảm được an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Vì thế, cùng với việc thực hiện bình thường mới và mở cửa nền kinh tế, du lịch thì việc khôi phục toàn bộ đường bay quốc tế như thời điểm trước dịch Covid-19 là hoàn toàn có thể thực hiện được. Hiện nay, chỉ có Trung Quốc là chưa đồng ý nối lại đường bay.

Sẽ khôi phục toàn bộ đường bay quốc tế như trước dịch Covid-19. Ảnh minh họa internet
Sẽ khôi phục toàn bộ đường bay quốc tế như trước dịch Covid-19. Ảnh minh họa internet.

Tần suất các đường bay này sẽ được tăng dần theo lộ trình bảo đảm nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi đi lại trên cơ sở tuân thủ hướng dẫn về giám sát y tế nhập cảnh.

Đến thời điểm này, ngoại trừ Trung Quốc, tất cả các quốc gia mà Việt Nam đề nghị khôi phục đường hàng không đều đã đồng ý. Hiện các đường bay tới châu Âu, Úc, Mỹ… Việt Nam đều đã có hoạt động khai thác. Nhưng, theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, sắp tới sẽ có những đường bay quốc tế tới các thị trường mới như: Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ… được tổ chức.

Thực tế, với tỷ lệ tiêm vaccine tăng cao, các nước trên thế giới đã nhanh chóng đưa ra nhiều chính sách cạnh tranh để thu hút khách quốc tế, đón đầu nhu cầu đi lại sau khi đại dịch đang từng bước được kiểm soát.

Các điểm chính trong chính sách của các quốc gia này là: Không hạn chế đối tượng và mục đích đi lại, bao gồm cả khách có quốc tịch nước sở tại, khách kiều bào và khách quốc tế (chỉ cần có hộ chiếu và thị thực hợp lệ).

Nói về tầm quan trọng của việc khôi phục các đường bay trọng điểm, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam dẫn chứng Hàn Quốc là thị trường hàng không lớn nhất của Việt Nam. Năm 2019 sản lượng khách đạt khoảng 10 triệu người, trong đó 70% là khách Hàn Quốc. Hay như trước đây một ngày có khoảng 100 chuyến bay từ Việt Nam sang Trung Quốc, phủ tất cả các điểm đến ở cả hai nước.

Lãnh đạo Vietnam Airlines khẳng định, nếu chậm triển khai nối lại các đường bay quốc tế như thời điểm chưa dịch Covid-19, Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh về điểm đến, không chỉ với khách du lịch mà còn với các nhà đầu tư. Các doanh nghiệp trong ngành hàng không, du lịch suy yếu, có thể dẫn đến phá sản, mất khả năng cạnh tranh với các hãng, các doanh nghiệp trong khu vực, khiến việc phục hồi sau đại dịch sẽ vô cùng khó khăn.

 Q.N (t/h)