Trong vài năm trở lại đây, nông nghiệp đang nổi lên là nhóm ngành tăng trưởng mạnh về xuất khẩu. Mặc dù đại dịch Covid-19 hoành hoành nhưng 9 tháng năm 2020, tổng trị giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trị giá xuất siêu đạt khoảng 7,2 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Nông dân chưa được "sống khoẻ"

Dù giá trị xuất khẩu lớn, nhưng trên thực tế, người nông dân và một số doanh nghiệp sản xuất nông sản chưa được “sống khỏe” một cách trọn vẹn trên mảnh đất trồng trọt của mình. Nguyên nhân mấu chốt của tình trạng nêu trên được chỉ ra là bởi mối quan hệ liên kết từ người nông dân sản xuất ra sản phẩm đến nhà phân phối vẫn còn nhiều vướng mắc.

Nông sản của người nông dân được bày bán trong nhiều siêu thịNông sản của người nông dân được bày bán trong nhiều siêu thị

Một nông dân ở huyện Tuy Đức, Đăk Nông chia sẻ, người nông dân tự sản xuất nên không thể trực tiếp bán hàng. Để được bán thường xuyên sản phẩm của mình, nông sản được thông qua kênh phân phối phải chiết khấu 35% mới thường xuyên được bán hàng, còn nếu 15-20% thì một năm chỉ được bán một lần. Thậm chí phân bón, thuốc trừ sâu phải chiết khấu cao hơn mới được phân phối.

Liên quan đến vấn đề này, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú thừa nhận, câu chuyện được người nông dân đề cập phản ánh đúng tới 60% những khó khăn của bà con nông dân trên thực tế hiện nay.

Ngoài tỷ lệ chiết khấu cao, có những kênh phân phối, đặc biệt là một số siêu thị với thế "áp đảo" của mình còn thực hiện thanh toán chậm 3 tháng với bà con nông dân sản xuất các sản phẩm nông nghiệp.

"Mới đây các phương tiện truyền thông phản ánh vụ việc cá sạch ở Đại Áng, Thanh Trì, Hà Nội, khi nhà phân phối đi thu mua nhận xét chất lượng cá rất tốt. Thế nhưng lại mua với giá cá "không sạch", đòi chiết khấu 30% và 3 tháng sau mới thanh toán", ông Phú nói, đồng thời cho rằng với 80% hàng hoá bây giờ vào siêu thị là phải ký gửi, rõ ràng, siêu thị đang chiếm dụng vốn rất "hợp lý".

Chưa kể, còn rất nhiều vấn đề nhiêu khê trong việc phân phối hàng hóa qua các siêu thị. Đơn cử như một lô miến vào siêu thị còn phải mất 20 triệu đồng phí tạo mã, 3 tháng sau chưa nhập hàng và yêu cầu rất nhiều thủ tục khác.

Tuy nhiên, ông Phú cũng thừa nhận những trường hợp trên chỉ xảy ra ở một số siêu thị, kênh phân phối, vẫn còn những những siêu thị tạo dựng được uy tín và niềm tin với người nông dân rất tốt như Hapro, cùng một lô miến như trên chỉ chiết khấu chỉ 17%, bằng 1 nửa của siêu thị khác và 7 ngày nhập hàng. Hay như Vinmart chiết khấu 0% trong vòng 1 năm cho những nhà thực phẩm tươi sống.

Đảm bảo công bằng trong tiêu thụ hàng hoá

Các chuyên gia cho rằng cần phải xem lại vấn đề này để làm thế nào vừa phải bảo vệ người sản xuất, vừa đảm bảo cho người phân phối có lợi nhuận. Đó mới là sự công bằng trong liên kết sản xuất.

Nhìn sang nước bạn Thái Lan, quốc gia này có có luật mía đường. Theo luật này, khi bán 1 cân đường ra thị trường thì được luật hóa 60% lợi nhuận thuộc về người nông dân còn 40% là các nhà buôn bán chia nhau trong đó. "Chính sách này rất rõ ràng minh bạch. Chúng ta chưa đến nỗi phải luật hóa nhưng chúng ta phải có những quy định nào đó để cho người sản xuất của cải vật chất đỡ thiệt thòi", ông Phú nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn của TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng CIEM thì cho rằng, hiện nay có sự cạnh tranh không công bằng trong việc phân phối sản phẩm nông sản tại các siêu thị. Ông Cũng phân tích, cùng một siêu thị nhưng lại có hiện tượng với doanh nghiệp A thì tiêu chuẩn khác và doanh nghiệp B lại áp dụng một tiêu chuẩn khác. Điều này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần có sự công bằng trong tiếp cận nhà phân phối. Mỗi siêu thị có quyền đặt ra các tiêu chuẩn riêng nhưng Bộ Công Thương cần có vai trò trọng tài để đảm bảo công bằng trong tiêu thụ hàng hoá.

Đánh giá chủ trương liên kết 6 nhà của Chính phủ đúng đắn, kịp thời, song ông Phú nhận xét thời gian qua những kết nối này còn mang nhiều tính tự phát, chưa được tổ chức chặt chẽ, kết nối cơ học là chính. Đã đến lúc chúng ta phải đặt vấn đề để giải bài toán kết nối một cách hiệu quả hơn, vững chắc hơn, đúng pháp lý hơn, trong đó mấu chốt là phải có những "bà đỡ". Đó là vai trò hỗ trợ hợp lý, thiết thực của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đối với các doanh nghiệp.

"Bà đỡ" phải tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế trên thị trường.Siêu thị mua hàng rẻ và chiếm dụng vốn của nông dân?

                                                                                      Cao Huyền