Ngày 28/11/2022, Phóng viênThương hiệu & Công luận đã “mục sở thị” tại siêu thị UNO Mart có địa chỉ tại Toà N04 Golden Time, Ecohome 3 Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội. Theo quan sát của Phóng viên, siêu thị UNO Mart chia ra nhiều gian hàng với nhiều mặt hàng khác nhau như: Hoa quả, rau củ quả, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm tươi sống, đồ ăn, đồ dùng gia đình…
Trong đó, nhiều sản phẩm, thực phẩm được bày bán trong siêu thị UNO Mart “trắng thông tin” không thể hiện rõ nguồn gốc xuất xứ, đơn vị phân phối cung cấp sản phẩm cũng như ngày đóng gói, hạn sử dụng và những sản phẩm mang thông tin nước ngoài không có tem nhãn phụ bằng Tiếng Việt.
Từ thực phẩm không có tem nhãn…
Theo ghi nhận của Phóng viên, tại khu vựcbày bán thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh của siêu thị UNO Mart bày bán nhiều thực phẩm như: Cá, thịt, tôm, ngao… Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên có một số sản phẩm được bày bán như tôm, ruốc… không có tem nhãn thể hiện nơi cung cấp sản phẩm, tên sản phẩm, trọng lượng, giá tiền, ngày đóng gói, ngày hết hạn.
Như vậy, trên sản phẩm không ghi thông tin của sản phẩm rất dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, rất khó cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm. Từ đây, người tiêu dùng có quyền đặt ra câu hỏi: Liệu chất lượng sản phẩm có đảm bảo an toàn cho sức khoẻ và làm thế nào để biết sản phẩm đó có thời hạn bao lâu?
Đáng nói, sản phẩm được cho là ruốc được siêu thị UNO Mart bày bán không có tem nhãn thể hiện đơn vị phân phối cung cấp sản phẩm, ngày sản xuất, ngày hết hạn. Trên vỏ hộp của sản phẩm có hiện tượng bị bóc mất tem nhãn, nhìn bằng mắt thường nhận thấy sản phẩm ngả màu, nếu sử dụng sẽ không an toàn và ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Một vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Ischool Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa xảy ra ngày 17/11 gần đây đã gióng một tiếng chuông cảnh báo toàn xã hội.
Sau khi ăn bữa cơm trưa ngày 17/11 tại trường, nhiều em xuất hiện các triệu chứng đau bụng, khó chịu, tiêu chảy nhiều lần, sốt, buồn nôn, nôn... nên được đưa đến các bệnh viện trong TP. Nha Trang. Ban đầu các bệnh viện điều trị cho hơn 100 em. Nhưng số học sinh nhập viện rải rác ngày càng tăng.
Qua báo cáo của Sở Y tế Khánh Hòa, thống kê đến trưa 20/11, tổng số ca nhập viện điều trị nội trú là 360 ca. Tổng số ca đã xuất viện là 93 ca. Tổng số ca đang điều trị tại các bệnh viện ở Nha Trang là 266 ca.
Trong số các em đang điều trị, có 21 trường hợp nặng, cần phải theo dõi tích cực.
Đối với một trường hợp đã tử vong ngày 20/11 được xác định là em L.Z.X (sinh năm 2016, học lớp 1).
Bệnh nhân này nhập viện ngày 18/11 trong tình trạng nôn ói nhiều, mệt, đau bụng. Đến chiều tối 19/11, bệnh nhân mệt, lơ mơ, co giật, tím và được các bác sĩ hồi sức tích cực.
Đến sáng 20/11, bệnh nhân li bì, sốt 39 độ, huyết áp và nhịp tim phụ thuộc vận mạch, thở máy ống nội khí quản, dấu hiệu suy đa phủ tạng… Trên đường chuyển viện vào TP. Hồ Chí Minh thì bệnh nhân tử vong.
Thực phẩm nào có thể nhiễm khuẩn Salmonella?
Chúng ta có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella từ nhiều loại thực phẩm, bao gồm thịt gà, gà tây, thịt bò, thịt lợn, trứng, trái cây, rau mầm, các loại rau khác và thậm chí cả thực phẩm chế biến sẵn.
Một số đợt bùng phát Salmonella gần đây khiến nhiều người bị bệnh ở nhiều bang ở Hoa Kỳ có liên quan đến thịt gà, gà tây xay, thịt bò xay, cá ngừ sống, nấm, hành tây, đào, đu đủ, trái cây cắt miếng, hạt điều và sốt tahini.
Thực phẩm không phải là con đường duy nhất mà Salmonella lây sang người. Vi khuẩn cũng lây lan qua nước bị ô nhiễm, môi trường, người khác và động vật.
Ngay cả vật nuôi và động vật mà bạn có thể tiếp xúc tại vườn thú, trang trại, hội chợ, trường học và nhà trẻ cũng có thể mang vi khuẩn Salmonella và các vi trùng có hại khác.
… Đến sản phẩm không tem nhãn
Tại khu vực bày bán hoa quả, tại đây bán nhiều hoa quả như nho, táo, cam, roi, chôm chôm,… Nhưng theo ghi nhận của phóng viên, có một số mặt hàng tại đây không có tem nhãn thể hiện thông tin ngày đóng gói, đơn vị cũng cấp sản phẩm cũng như hạn của sản phẩm.
Cụ thể, sản phẩm nho Mỹ đen - được nhân viên siêu thị nói là hàng nhập khẩu … bán với giá 169.000 đồng/kg, nhưng không có tem nhãn thể hiện nguồn gốc xuất xứ. Bằng mắt thường, có thể nhìn thấy một số sản phẩm nho quả đã ngã màu thâm, cuống đã bị héo được bày bán trên những kệ hàng.
Ngoài ra, còn một số sản phẩm khác cũng không có tem, nhãn, "trắng thông tin" như: Nhãn, chôm chôm, táo
Và hàng hoá không tem nhãn phụ Tiếng Việt
Ngay khi đặt chân vào sảnh của siêu thị UNO Mart, người tiêu dùng rất dễ dàng nhìn thấy nhiều sản phẩm là đồ chơi tiếng nước ngoài của trẻ em không có nhãn phụ tiếng Việt.
Rõ ràng, việc bán các sản phẩm nhập khẩu không có dán nhãn phụ Tiếng Việt gây khó khăn cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng không nắm được nguồn gốc sản phẩm từ đâu; không hiểu rõ về thành phần, công dụng của sản phẩm như thế nào, ngoài ra sự việc này còn gây khó khăn cho cơ quản chức năng.
Như vậy, từ vấn đề trên, việc nhiều sản phẩm không có thông tin về nhà phân phối, cách sử dụng, trên sản phẩm không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt… khiến người tiêu dùng gặp khó khăn khi tiếp cận thông tin sản phẩm. Vậy thì những người tiêu dùng bình dân, không biết tiếng nước ngoài làm sao xác định, phân biệt được sản phẩm và mua? Là một trong những thương hiệu lớn, Siêu thị Uno Mart bán nhiều sản phẩm không có tem nhãn, tem phụ… dành cho trẻ nhỏ và gia đình. Những sản phẩm trên có thực sự an toàn đối với sức khoẻ của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm?
Đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội kiểm tra, nếu có vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật.
Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc bị xử phạt như thế nào?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng - Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: Theo quy định của pháp luật tại Điều 21 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, ngày 15/11/2013, sửa đổi bổ sung bởi Khoản 17 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ – CP, ngày 19/11/2015 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Vì vậy loại hình kinh doanh nào cũng đều phải tuân thủ quy định về nguồn gốc xuất xứ.
Đối với trường hợp vận chuyển, mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, pháp luật quy định hình thức xử phạt từ 200.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Để chứng minh nguồn gốc hàng hóa trong trường hợp này, khi nhập hàng, người vận chuyển phải xuất trình hóa đơn thanh toán, bằng chứng giao dịch và xuất trình hóa đơn thanh toán khi mua hàng hóa cho cơ quan quản lý thay cho giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Bên cạnh đó, các đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt nêu trên đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc một trong các trường hợp: Thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế…
Ngoài ra hành vi kinh doanh, vận chuyển, buôn bán, sử dụng... hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ hàng vi phạm đó. Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc hoặc vật khác được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.
Lê Pháp