Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là một hiệp định dự kiến có nhiều đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu cũng như quá trình đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu cho Việt Nam.
Với EVFTA, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 85,6% số mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 07 năm, 99,2% số mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Hiệp định EVFTA chú trọng đến quyền sở hữu trí tuệ
EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, đặc biệt ở vấn đề sở hữu trí tuệ. Với mức độ cam kết khá cao về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ về sửa đổi pháp luật trong nước. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhận thức chung về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn thấp trong khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức của công chúng và doanh nghiệp về các cam kết của Hiệp định EVFTA trong lĩnh vực này là điều hết sức cần thiết.
Về các đối tượng khác của quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), Hiệp định EVFTA đặc biệt chú trọng vấn đề tạo thuận lợi cho việc xác lập quyền ở cả trong và ngoài nước. Theo đó, về sáng chế, ngoài việc khẳng định quyền và nghĩa vụ theo Hiệp ước Hợp tác sáng chế (về thủ tục đăng ký sáng chế quốc tế), các Bên còn có nghĩa vụ tiến tới đơn giản hóa thủ tục đăng ký hơn nữa, tham khảo mô hình trong Hiệp ước Luật Sáng chế.
Đối với nhãn hiệu, Hiệp định yêu cầu các bên khẳng định quyền và nghĩa vụ theo Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu, áp dụng Bảng phân loại Nice; đồng thời tiến tới đơn giản hóa quy trình đăng ký, trong đó tham khảo mô hình trong Hiệp ước Luật Nhãn hiệu hay Hiệp ước Singapore về Luật Nhãn hiệu. Về kiểu dáng công nghiệp (KDCN), Hiệp định yêu cầu các Bên gia nhập Thỏa ước La Hay năm 1925 về đăng ký quốc tế KDCN trong vòng 2 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Ngoài ra, Hiệp định còn đề cập một số nghĩa vụ khác như: Quy định nghĩa vụ “bù đắp” cho các trường hợp thời gian bảo hộ sáng chế thực tế của một dược phẩm bị rút ngắn do chậm trễ trong thủ tục cấp phép lưu hành thị trường; kéo dài thời gian bảo hộ cho KDCN lên đến 15 năm và khả năng được bảo hộ quyền tác giả của KDCN… Về nghĩa vụ “bù đắp”, mặc dù Hiệp định không ràng buộc về cách thức bù đắp nhưng quy định này là một biện pháp đảm bảo quyền cho các doanh nghiệp dược trong thủ tục đăng ký cấp phép lưu hành.
Đây cũng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thể hiện góc nhìn của mình, xác định những thách thức, trở ngại trước ngưỡng cửa hội nhập rộng mở mà Hiệp định EVFTA mang lại, để từ đó góp phần tích cực vào việc xây dựng các chính sách thiết thực, hiệu quả, đồng thời định hướng giải pháp nhằm tận dụng tối đa cơ hội, giảm thiểu thách thức mà Hiệp định mang lại.
Trang Nguyễn