Bán thuốc không theo đơn là hành vi vi phạm pháp luật
Theo ghi nhận của PV Thương hiệu và Công luận, hàng loạt các nhà thuốc thuộc các công ty dược trên địa bàn thành phố Hạ Long bán các loại thuốc kê đơn nhưng không cần đơn thuốc một cách bừa bãi.
Cụ thể; theo ghi nhận của phóng viên, tại nhà thuốc Hồng Dương thuộc Công ty TNHH Dược phẩm Hồng Dương có địa chỉ tại số 22-24, tổ 1 khu 1 phường Trần Hưng Đạo, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, khi phóng viên muốn tìm mua thuốc Zinnat 125mg, thì nhân viên bán hàng tại đây lập tức bán cho phóng viên và thu tiền, mà không cần hỏi người mua có đơn theo chỉ định của bác sỹ hay không, tình trạng bệnh nhân như thế nào và cũng không hề tư vấn cách dùng và liều dùng của loại thuốc này ra sao mặc dù trên vỏ hộp thuốc này cũng ghi rất rõ dòng chữ “thuốc bán theo đơn”?
Theo phản ánh, Nhà thuốc số 1 thuộc Công ty TNHH Dược phẩm Bạch Đằng có địa chỉ tại số 71 đường 25/4, tổ 36 khu 2 phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đang tự ý bán các loại thuốc “đặc trị”, “thuốc kê đơn” trong khi không có đơn thuốc của bác sỹ hay bệnh viện, tiềm ẩn nguy cơ làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của người sử dụng.
Phóng viên Thương hiệu và Công luận đã có mặt tại 3 nhà thuốc thuộc Công ty TNHH Dược phẩm Bạch Đằng thì nhận thấy rằng việc tìm mua các loại thuốc nằm trong danh mục kiểm soát đặc biệt của Bộ Y tế lại dễ như mua rau.
Trong vai một người đang có nhu cầu mua thuốc cho người già bị hen phế quản, phóng viên Thương hiệu và Công luận có mặt tại Nhà thuốc số 1B có địa chỉ tại số 2 Lê Lai, phường Yết Kiêu, thành phố Hạ Long thuộc Công ty TNHH Dược phẩm Bạch Đằng để được tư vấn mua thuốc. Khi phóng viên hỏi mua thuốc Salbutamol 2mg ngay lập tức nhân viên mang ra bán cho người tiêu dùng mà không cần phải trình đơn thuốc. Tương tự tại các Nhà thuốc số 1 có địa chỉ: số 71 đường 25/4, tổ 36 khu 2 phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long và Nhà thuốc số 4 có địa chỉ: số 264 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long thì phóng viên cũng có thể dễ dàng mua được loại thuốc trên mà không cần bất kỳ đơn thuốc nào.
Ngoài ra, qua quá trình mua hàng tại các nhà thuốc thuộc Công ty TNHH Dược phẩm Bạch Đằng, đều bán thuốc Salbutamol chỉ toàn chữ nước ngoài, không có số đăng ký, không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nghi vấn thuốc giả,...
Không chỉ vậy, hàng loạt nhà thuốc thuộc các công ty dược trên địa bàn thành phố Hạ Long còn “vượt rào” bán thuốc điều trị virus Molnupiravir không kê đơn. Thậm chí nhà thuốc FPT Long Châu tại Quảng Ninh còn sử dụng những chiêu của mình để hợp thức hoá hành vi vi phạm của mình nhằm đối phó với Bộ Y tế.
Cụ thể, người bệnh có nhu cầu thuốc điều trị Covid-19 đã tới Nhà thuốc FPT Long Châu có địa chỉ tại số 48 Tô Hiến Thành, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây, người mua hàng không có đơn thuốc, cũng không chứng minh được là mua cho người dương tính với Sars-CoV-2, thế nhưng chỉ sau vài phút, nhân viên của Nhà thuốc FPT Long Châu đã “phù phép”, “hô biến” cho người mua hàng một toa thuốc của Phòng khám chuyên khoa nội tổng hợp Trí Việt có địa chỉ tại tầng 3, số 51 Tân Mỹ, P.Tân Phú, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh? Dựa vào những chiêu “lách luật” như thế này, nhà thuốc FPT Long Châu đã tự hợp thức hoá những vi phạm trong quá trình bán hàng của mình cũng như “qua mặt” các quy định của Bộ Y tế.
Luật Dược năm 2016 quy định: Bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc là một trong các hành vi bị cấm; cơ sở kinh doanh dược có trách nhiệm chỉ được bán thuốc kê đơn tại cơ sở bán lẻ khi có đơn thuốc…
Hơn nữa, từ ngày 15/11/2020, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực, thay thế hoàn toàn Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, khung xử phạt tăng rất nhiều.
Cụ thể, tại điểm đ, khoản 3, Điều 59 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định: "Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi "bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc', đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tại điểm đ, khoản 8 điều này: "Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm đ, khoản 3 điều này".
Đặc biệt, Điều 315 "Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác", Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định:
- Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- a) Làm chết người;
- b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
- a) Làm chết 02 người;
- b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
- a) Làm chết 03 người trở lên;
- b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
Sở Y tế Quảng Ninh “đá bóng” trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí?
Sau quá trình ghi nhận thực tế nhiều ngày, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã phản ánh tới Sở Y tế Quảng Ninh về việc nhiều công ty dược, nhà thuốc trên địa bàn thành phố Hạ Long đang công khai bán thuốc cho khách hàng mà không cần tới đơn thuốc theo chỉ định của bác sỹ, dù trên vỏ hộp thuốc ghi rõ dòng chữ “thuốc bán theo đơn”.
Thậm chí, một số loại thuốc nằm trong danh mục “kiểm soát đặc biệt của Bộ Y tế” cũng được bán cho người mua, mà không cần tới đơn thuốc theo chỉ định của bác sĩ, có dấu hiệu coi thường tính mạng người bệnh, vi phạm những quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề thuốc nhập khẩu lưu hành không có số đăng ký, không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nghi vấn thuốc giả,… phóng viên cũng đã phản ánh tới Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh.
Đồng thời, đặt lịch làm việc với Sở Y tế Quảng Ninh để làm rõ về công tác quản lý theo thẩm quyền, quy trình xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh thuốc. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía cơ quan này.
Cụ thể, ngày 18/04, phóng viên có liên lạc với ông Nguyễn Trọng Diện – Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh để đặt lịch làm việc, ông Diện có yêu cầu phóng viên làm văn bản gửi về văn phòng sở.
Ngày 20/04, tạp chí Thương hiệu và Công luận đã có công văn số 74/CV-THCL gửi Sở Y tế Quảng Ninh về việc hỗ trợ, cung cấp thông tin.
Ngày 25/04, phóng viên liên hệ với ông Diện trao đổi về việc Thương hiệu và Công luận đã gửi công văn, mong phía sở hỗ trợ cung cấp thông tin thì ông Diện cho biết ông "rất bận, phóng viên liên hệ với văn phòng" và ông Diện cho phóng viên số điện thoại ông Cường.
Ngày 26/04, phóng viên Thương hiệu và Công luận có liên hệ với ông Cường, tuy nhiên ông Cường cho biết, phía sở chưa nhận được công văn từ phía tạp chí. Ngay sau đó, phóng viên đã gửi bản scan công văn cho ông Cường để ông Cường kiểm tra lại.
Ngày 27/04, phóng viên tiếp tục xác minh lại thông tin phía ông Cường, ông Cường cho biết văn bản đã được chuyển xuống phòng ban chuyên môn để xử lý và sở sẽ có công văn trả lời tạp chí.
Tuy nhiên, ngày 04/05, phóng viên liên hệ, ông Cường để lấy thông tin công văn trên thì ông Cường cho biết: "việc này giám đốc sở đã giao cho ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh và yêu cầu phóng viên liên hệ với ông Tuấn để được cung cấp thông tin".
Cùng ngày, phóng viên tiếp tục liên hệ với ông Tuấn để được hỗ trợ cung cấp thông tin. Lúc này ông Tuấn lại tiếp tục hỏi: “Tạp chí cần những thông tin gì, cho anh biết để Sở Y tế chuẩn bị thông tin cung cấp”? Khi phóng viên nhắc, tạp chí đã có công văn gửi sở rồi, có cần phóng viên gửi lại bản scan không thì ông Tuấn nhắn sẽ bảo văn phòng chuyển qua. Và từ đó đến giờ, Thương hiệu và Công luận cũng chưa nhận được hồi âm gì từ phía Sở Y tế Quảng Ninh. Có hay không việc ban lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh đang “đá bóng” trách nhiệm trong việc thông tin cho báo chí?
Trong khi Sở Y tế Quảng Ninh vẫn còn đang “án binh bất động”, thì ngoài kia những hộp thuốc đặc trị, thuốc thuộc danh mục “kiểm soát đặc biệt của Bộ Y tế” vẫn đang được nhiều công ty dược, nhiều nhà thuốc lớn như: Long Châu FPT, Dược phẩm Bạch Đằng, Hồng Dương,.. công khai thu tiền, bán thuốc, bỏ mặc những rủi ro có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người bệnh. Và câu hỏi đặt ra là nếu người bệnh xảy ra biến chứng sau khi dùng thuốc ảnh hưởng tới tính mạng, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Liệu Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh có đang thực hiện triệt để công tác quản lý theo thẩm quyền hay không?
Phóng viên THCL