Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC), từ tháng Sáu đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã có 3 ca trẻ em mắc bệnh sởi tử vong.

Ngoài ra, số ca mắc bệnh sởi bắt đầu tăng từ cuối tháng Năm đến nay và tuần gần nhất đã có đến 60 ca sốt phát ban nghi mắc sởi/tuần. Có 3 quận huyện có số ca sởi cao nhất trong thành phố là huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: Internet)

Theo báo cáo từ các bệnh viện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tính đến ngày 4/8, đã có 505 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 262 ca xét nghiệm dương tính, hơn 50% là các ca bệnh ở tỉnh thành khác đến khám và điều trị tại thành phố.

Chỉ tính riêng các trường hợp có địa chỉ tại TP. Hồ Chí Minh, có đến 201 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 116 ca xét nghiệm dương tính. Trong khi đó, từ năm 2021 đến năm 2023, cả thành phố chỉ có một ca xét nghiệm dương tính.

Hiện, toàn TP. Hồ Chí Minh đã có 48 phường, xã trên 14 quận, huyện có ca bệnh sởi xác định, 8 quận, huyện có từ 2 phường xã trở lên có ca bệnh. Trong 116 ca xác định có 27,6% là trẻ dưới 9 tháng tuổi, 78,4% là trẻ dưới 5 tuổi. Số bệnh nhân chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi chiếm đến 66% và có đến 30% không rõ tiền sử tiêm chủng.

Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy... có thể gây tử vong.

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC cho biết, trước nguy cơ bùng phát dịch sởi tại TP. Hồ Chí Minh, ngành y tế thành phố đã tham mưu UBND thành phố tổ chức một chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi không kể tiền sử tiêm chủng cho những trẻ từ 1 - 5 tuổi trên địa bàn.

Đồng thời, HCDC khuyến cáo các bậc phụ huynh hãy đưa con em đến cơ sở y tế tiêm đủ hai mũi sởi theo lịch tiêm chủng để tạo miễn dịch cho trẻ.

Hoàng Bách (t/h)