Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) vừa gửi kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Thông tin - Truyền thông xem xét áp dụng chính sách thuế phù hợp đối với cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nội dung số trên các nền tảng quốc tế.
Theo VDCA, sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của các nền tảng số xuyên biên giới như Facebook, TikTok, YouTube… với hàng tỷ người dùng trên toàn cầu đã tạo ra một thị trường tiêu dùng nội dung số khổng lồ. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam đã bắt kịp xu hướng này sản xuất nhiều nội dung có giá trị, phát hành xuyên biên giới, gây được tiếng vang trên toàn cầu. Hàng vạn lao động trẻ người Việt Nam đã và đang tham gia, kinh doanh kiếm tiền trên các nền tảng xuyên biên giới, hàng năm mang về lượng kiều hối nhiều triệu đô la cho đất nước.
Nội dung kiến nghị đã nêu ra nhiều điểm bất cập về chính sách thuế đối với các ngành nghề kinh doanh nội dung số, kiếm tiền nhanh trên các nền tảng xuyên biên giới. Theo Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng, có 4 ngành nghề kinh doanh nội dung số, kiếm tiền nhanh trên các nền tảng xuyên biên giới mà các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam tham gia với số lượng nhân lực đông đảo, gồm: Sản xuất nội dung trên các nền tảng miễn phí như YouTube, Facebook, TikTok; Kinh doanh trên nền tảng âm nhạc trực tuyến như Spotify, Apple Music, Amazon Music...; Game online phát hành trên Apple Store và CH Play; Bán hình ảnh, tranh, bản vẽ thiết kế, hình ảnh - video 2D - 3D, giáo dục trực tuyến… trên các nền tảng trực tuyến toàn cầu.
Do là ngành nghề mới, có mô hình khác hẳn với các ngành kinh tế truyền thống, đặc biệt mặt hàng kinh doanh là nội dung số được phân phối xuyên biên giới cho đối tượng người tiêu dùng tại nhiều quốc gia, nên ngành sáng tạo nội dung số, kiếm tiền trên các nền tảng xuyên biên giới (ngành MMO - Make Money Online) đang gặp phải một số vướng mắc không nhỏ trong quá trình phát triển, trong đó có chính sách thuế.
Qua thông tin được các doanh nghiệp chia sẻ, thảo luận tại các diễn đàn, hội thảo, VDCA nhận thấy hiện nay các doanh nghiệp, người sáng tạo nội dung số đang gặp phải một số vấn đề vướng mắc liên quan đến chính sách thuế cần được hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn.
Cụ thể, theo chính sách của YouTube, các nhà sáng tạo nội dung ở các quốc gia ngoài Hoa Kỳ thực hiện đăng ký thuế với cơ quan thuế của Hoa Kỳ sẽ chịu khấu trừ 30% thuế thu nhập cho các lượt xem đến từ Hoa Kỳ; còn các lượt xem từ các quốc gia khác YouTube không khấu trừ thuế. Chính sách của YouTube cũng quy định, các nhà sáng tạo nội dung từ các quốc gia ngoài Hoa Kỳ không thực hiện đăng ký thuế tại Hoa Kỳ sẽ bị khấu trừ 24% thuế thu nhập cho tổng lượt xem toàn cầu (chính sách này nhằm khuyến khích YouTuber đăng ký thuế tại Hoa Kỳ).
Khi dòng tiền về đến Việt Nam, nhà sáng tạo cá nhân phải nộp thêm 7% (5% VAT và 2% thuế thu nhập cá nhân). Còn tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh trên YouTube phải đóng khoản thuế là 30% (10% VAT và 20% thuế thu nhập doanh nghiệp). Đặc biệt, với thuế GTGT theo quy định hiện hành đánh thuế 10% trên doanh thu nhận về của doanh nghiệp. Điều này không phù hợp với nguyên tắc điểm đến, tiêu dùng ở đâu, đánh thuế ở đấy với sắc thuế GTGT.
Như vậy, có thể thấy, các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trên YouTube tại Việt Nam đang phải chịu 2 lần thuế đối với khoản doanh thu từ lượt xem tại Hoa Kỳ (do phía Hoa Kỳ đã thu thuế), bản chất là các doanh nghiệp, cá nhân đang bị nộp thuế chồng thuế.
Từ năm 1992 tới nay, Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với 72 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, 60 hiệp định đã có hiệu lực. Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được hai nước ký kết vào ngày 07/7/2015. Ngày 24/02/2017, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký ban hành Nghị quyết 29/NQ-CP phê duyệt Hiệp định và Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, do phía Hoa Kỳ chưa phê chuẩn nên Hiệp định chưa có hiệu lực thi hành.
Trong Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Hoa Kỳ quy định người Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam có thu nhập tại Hoa Kỳ khi đã đóng thuế cho Hoa Kỳ thì sẽ không phải đóng thuế cho Việt Nam. Đối với Hoa Kỳ, nhà đầu tư, quỹ đầu tư tiến hành đầu tư vào Việt Nam và có thu nhập, khi đã đóng thuế ở Việt Nam rồi thì sẽ không đóng thuế cho Hoa Kỳ.
Qua thực tế trên, VDCA đưa ra 3 kiến nghị:
Thứ nhất, áp dụng nguyên tắc tránh đánh thuế 2 chiều với các nguồn thu nhập từ các quốc gia đã ký kết Hiệp định với Việt Nam đối với các tổ chức/cá nhân kinh doanh nội dung số trên các nền tảng toàn cầu. Kiến nghị Chính phủ thúc đẩy để Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sớm được thực thi.
Thứ hai, đối với các nội dung số sản xuất kinh doanh phục vụ cho thị trường nước ngoài, cho người xem nước ngoài, kiến nghị áp dụng thuế suất VAT là 0% (với cả cá nhân và doanh nghiệp). Với thu nhập từ lượt xem tại Việt Nam: Cá nhân áp dụng VAT 2%, thuế thu nhập cá nhân 1%; Doanh nghiệp VAT là 10% (theo Thông tư 40/2021/TT-BTC, ngày 01 tháng 6 năm 2021).
Thứ ba, Nhà nước xem xét để hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số với các chính sách ưu đãi về: Thuế, ưu đãi về đầu tư, hỗ trợ đào tạo nhân lực… tương tự như ưu đãi đối với thuộc lĩnh vực phần mềm và công nghệ cao. Cụ thể, sản phẩm thuộc ngành phần mềm và công nghệ cao đang được ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, giảm 50% trong 9 năm, cùng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư khác.
Cùng với đó, VDCA đã tổng hợp một số nội dung mà các doanh nghiệp, người sáng tạo nội dung số đang gặp phải hiện nay và gửi Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn. VDCA cũng báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông biết về một số vấn đề vướng mắc hiện nay doanh nghiệp trong Ngành đang gặp phải, giúp doanh nghiệp tháo gỡ để Ngành sáng tạo nội dung số phát huy hết tiềm năng, đóng góp vào sự phát triển của Ngành Thông tin và Truyền thông.
Thảo Nguyễn (T/h)