Việt Nam đang ở vào giai đoạn cải cách có tính bước ngoặt. Bài toán thách thức nhất đang đặt ra là làm thế nào để tránh được bẫy thu nhập trung bình, tạo nền tảng và những xung lực mới thúc đẩy tăng trưởng dựa trên tăng năng suất và phát triển nhanh, bền vững.
Động lực tăng trưởng mới
Năm 2023, vị thế của Việt Nam tiếp tục được củng cố khi lọt vào top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, quy mô GDP vượt ngưỡng 400 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người hơn 4.000 USD, dân số cán mốc 100 triệu người. Tuy nhiên, năng suất lao động vẫn là điểm yếu khiến Việt Nam còn tụt hậu so với các nước trong khu vực.
Báo cáo năng suất lao động giai đoạn 2011-2020 do Tổng cục Thống kê công bố tháng 2/2023 cho thấy về quy mô kinh tế, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á nhưng năng suất lao động chỉ bằng 11,3% năng suất của quốc gia dẫn đầu là Singapore. Trong nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên về năng suất lao động ở Việt Nam được thực hiện năm 2020, Phó Giáo sư Tô Trung Thành và Nhóm nghiên cứu Trường đại học Kinh tế quốc dân đưa ra các kịch bản dự báo năng suất lao động đến năm 2030.
Cụ thể, nếu chuyển đổi số chậm, tốc độ tăng năng suất lao động trung bình của Việt Nam là 6,25%/năm, trong đó kinh tế số đóng góp 0,43%. Nếu chuyển đổi số, gia tăng ứng dụng công nghệ số và phát triển ngành công nghệ thông tin, tốc độ tăng năng suất lao động có thể đạt 6,97% với sự đóng góp 1,15% từ kinh tế số.
“Trong bối cảnh những động lực tăng trưởng đang trở nên dần cạn kiệt và thiếu hiệu quả, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện mạnh mẽ mức năng suất lao động tổng thể nền kinh tế, từ đó đạt được phát triển bền vững và chống đỡ được các cú sốc từ bên ngoài”, Phó Giáo sư Tô Trung Thành nhấn mạnh.
Với cú huých của đại dịch Covid-19, công nghệ số đang làm thay đổi mô hình kinh doanh, cơ cấu ngành và thậm chí làm thay đổi kinh tế ngành theo những cách chưa từng có. Theo cảm nhận của Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, nền kinh tế số vận hành trong không gian số không chỉ đang bùng nổ mà còn “nhúng” ngày càng sâu vào nền kinh tế thực, làm thay đổi về chất của nhiều ngành truyền thống.
Như trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại điện tử với các loại hình giao dịch online, kinh doanh nền tảng đang làm lu mờ hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Lĩnh vực tài chính cũng đang chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ và cấu trúc khi công nghệ fintech, tài chính thông minh, cho vay ngang hàng P2P lấn sân các định chế tài chính truyền thống.
Trong nông nghiệp, lối canh tác “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” phụ thuộc vào thời tiết đang chuyển nhanh sang phương thức canh tác theo công nghệ cao, dần khép lại truyền thống sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Những nét vẽ sống động của kinh tế số ở giai đoạn phát triển đầu tiên như cảm nhận của Tiến sĩ Võ Trí Thành được xây dựng bởi những doanh nghiệp tiên phong tận dụng được hiệu quả và cơ hội từ đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để tăng tốc bứt phá.
Từ khi có số hoá, quy trình sản xuất nông nghiệp minh bạch từ đầu vào đến đầu ra. Bất cứ chủ thể nào tham gia chuỗi sản xuất, từ doanh nghiệp, ngân hàng cho vay vốn đến người nông dân đều nhìn thấy lợi nhuận của nông dân trồng lúa hoàn toàn có thể lên tới 100%, không thua kém lợi nhuận của ngành tài chính-ngân hàng.
Nhìn lại sự phát triển tại Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, những đột phá về công nghệ trong kinh tế số đang dẫn đến những điều kỳ diệu trong sản xuất nông nghiệp. Số hóa giúp Lộc Trời trở thành doanh nghiệp đầu tiên tạo được chứng chỉ các-bon cho cây lúa tại Việt Nam, có năng lực sản xuất trên diện tích hơn 1 triệu ha, đáp ứng bất cứ đơn hàng nào đi khắp thế giới.
Tham gia vào hệ sinh thái nông nghiệp chất lượng cao của Lộc Trời, nông dân không chỉ có doanh thu từ hạt lúa mà còn có lợi nhuận cao hơn từ khâu chế biến sản phẩm thứ cấp sau gạo như cám, vỏ trấu… theo mô hình kinh tế tuần hoàn. “Số hóa chính là lời giải cho bài toán kinh tế để tối ưu hóa lợi nhuận, tối ưu hóa các giá trị đạt được trên một đơn vị diện tích canh tác trong sản xuất nông nghiệp.
Từ khi có số hoá, quy trình sản xuất nông nghiệp minh bạch từ đầu vào đến đầu ra. Bất cứ chủ thể nào tham gia chuỗi sản xuất, từ doanh nghiệp, ngân hàng cho vay vốn đến người nông dân đều nhìn thấy lợi nhuận của nông dân trồng lúa hoàn toàn có thể lên tới 100%, không thua kém lợi nhuận của ngành tài chính-ngân hàng.
Đó chính là nguồn gốc cho sự trù phú của đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi đang nỗ lực nhiều hơn để chứng minh rằng luận điểm nông dân không thể giàu đã không còn đúng trong thời đại chuyển đổi số”, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận nói.
Với cơ cấu kinh tế hiện nay, khu vực nông nghiệp tuy chỉ đóng góp chưa đến 10% vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc dân (GDP) nhưng là lĩnh vực duy nhất “ghi điểm” về mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế Việt Nam, thể hiện qua việc có thể tham gia định giá nhờ số lượng hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường quốc tế, nhất là với gạo, cà-phê, thủy sản.
Kinh tế số chính là con đường dẫn đến mục tiêu tổ chức thực hiện hiệu quả và thực chất các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế để đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động nhằm hiện đại hóa, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Xây dựng thể chế mở cho kinh tế số
Hiện chưa có dữ liệu thống kê chính thức đo mức độ trưởng thành của nền kinh tế số Việt Nam nhưng cũng đã có những số liệu ước tính ban đầu. Cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số là Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2022, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam đạt 14,26% GDP, tăng đáng kể so với mức 11,91% của năm 2021.
Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ năm 2022 đạt khoảng 7,5%. Tổng số lượt tải mới các ứng dụng trên thiết bị di động của Việt Nam đạt 3,23 tỷ lượt, tiếp tục giữ vững vị trí số 9 toàn cầu về số lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động. Còn theo báo cáo e-Conomy SEA năm 2022 của Google, Temasek và Bain Company, quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2050, trong đó thương mại điện tử có đóng góp quan trọng nhất. Đây là những kết quả tích cực bước đầu trong phát triển kinh tế số, xã hội số.
Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, nếu chỉ nhìn vào những thành công ban đầu của quá trình thực hiện số hóa hoạt động hành chính của cơ quan quản lý nhà nước (thủ tục hành chính công, Chính phủ điện tử…) để lạc quan về sự phát triển của kinh tế số thì sẽ khiến chúng ta đến một lúc nào đó phải chững lại vì không đủ nguồn lực về tài chính, con người để đi tiếp. Khi đó, niềm tin vào kinh tế số, chuyển đổi số sẽ bị ảnh hưởng. Thực hiện số hóa trong sản xuất mới chính là nhiệm vụ khó khăn và có tính chất quyết định đối với quá trình thúc đẩy kinh tế số, hướng tới phát triển bền vững.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ luôn trăn trở về những kết quả rất tích cực mà Việt Nam đạt được về sự phát triển của xã hội số những năm qua. Năm 2020, Việt Nam có khoảng 60 triệu người sử dụng internet với thời lượng trung bình gần 7 giờ/ngày dành cho mạng xã hội. Đây là con số khác biệt so với nhiều quốc gia có kinh tế số phát triển vì dung lượng sử dụng internet của những quốc gia này chủ yếu đến từ khu vực các nhà máy, viện nghiên cứu, trường đại học.
Thực hiện số hóa trong sản xuất mới chính là nhiệm vụ khó khăn và có tính chất quyết định đối với quá trình thúc đẩy kinh tế số, hướng tới phát triển bền vững.
Trong thực tế, quá trình chuyển đổi số ở khu vực doanh nghiệp phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Năm 2015, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chuyển sang khai thác thế hệ máy bay công nghệ mới A350 và Boeing 787, đặt mục tiêu năm 2020 trở thành hãng hàng không số nhưng không về đích đúng hẹn bởi những quy định đặc thù về cơ chế quản lý tài chính của doanh nghiệp nhà nước và tiêu chuẩn khắt khe về an ninh hàng không.
Câu chuyện là, hãng muốn nâng cấp phần mềm hệ thống quản lý khách hàng thường xuyên cho hai triệu khách hàng của mình và kết nối với data 150 triệu khách hàng của Liên minh hàng không toàn cầu SkyTeam nhưng không đi theo hướng đầu tư dài hạn để tiết kiệm chi phí. Sự thay đổi này dẫn đến tình huống phải xác định đây là khoản chi đầu tư hay chi thường xuyên, có làm phát sinh tài sản khấu hao hay không? Để trả lời câu hỏi này, doanh nghiệp phải dừng nâng cấp dự án, chờ hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.
Đi theo tiêu chuẩn phục vụ khách hàng mới, Vietnam Airlines mua công nghệ wifi trên máy bay dùng cho 24 máy bay A350 và B787 nhưng sau bốn năm triển khai chỉ được phê duyệt thử nghiệm cho bốn máy bay ban đầu. “Cách mạng công nghiệp 4.0 hay kinh tế số là xuất phát từ công nghệ nhưng để đưa công nghệ vào cuộc sống thì phải do thể chế quyết định”, đại diện Vietnam Airlines chia sẻ.
Đó là câu chuyện của trước năm 2020, khi Việt Nam chưa có thể chế cho phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số. Nhưng ngay cả sau này, những vướng mắc đó vẫn tiếp tục là rào cản cho chuyển đổi số doanh nghiệp.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) liệt kê hàng loạt khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số ở ngành này, như: Khối lượng công việc trong thời gian đầu số hoá tăng rất nhanh gây áp lực lớn cho công tác quản trị doanh nghiệp; nếu chọn bước đi không hợp lý, chi phí tăng cao có thể khiến doanh nghiệp lâm vào khủng hoảng tài chính; phải cân não lựa chọn phương án mua công nghệ mới hoàn toàn hay cải tạo công nghệ cũ trong điều kiện doanh nghiệp còn hạn chế về nguồn tài chính và nhân lực...
Nhưng khó khăn nhất vẫn là chọn bước đi thế nào để không làm thay đổi mô hình tổ chức của tập đoàn, vì động đến vấn đề này sẽ phải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt mô hình tổ chức mới, có nguy cơ bị “ngâm” vô thời hạn. Theo góc nhìn của chuyên gia kinh tế Trương Văn Phước, chuyển đổi số và kinh tế số không đơn thuần chỉ là bài toán công nghệ mà quan trọng nhất là thể chế do liên quan đến cái mới.
“Yêu cầu đặt ra là phải tháo gỡ vướng mắc và hoàn thiện thể chế; đầu tư công nghệ, hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin; huy động được các nguồn lực tài chính, đào tạo, thu hút được nguồn nhân lực… Quá trình này nếu không có thể chế đi trước mở đường rất có thể dẫn đến thất bại”, Tiến sĩ Trương Văn Phước nói.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, Đảng ta đưa ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ trọng khoảng 20% GDP, đến năm 2030 đạt khoảng 30% GDP. “Mở đường” tiến vào kỷ nguyên số, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52-NQ-TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số, đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương về chuyển đổi tư duy hướng tới kinh tế số. Và để hoàn thành những mục tiêu tham vọng nêu trên, các điều kiện, giải pháp phát triển kinh tế số đã được chuẩn bị từ sớm, nhưng quan trọng hơn là công tác tổ chức triển khai và sự chuẩn bị sẵn sàng của các bên liên quan.
Theo Báo Nhân Dân