Sửa quy định hình thức giám sát của nhân dân với Cảnh sát giao thông

Bộ Công an ban hành Thông tư Thông tư 46/2024/TT-BCA ngày 30/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung Điều 11 Hình thức giám sát của nhân dân.

Cụ thể, nhân dân được giám sát thông qua các hình thức sau:

+ Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng Công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng;

+ Qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật;

+ Tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ;

+ Kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

+ Quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Việc giám sát của nhân dân phải đảm bảo các điều kiện sau:

+ Không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi công vụ;

+ Không được vào khu vực thực thi công vụ, trừ người có quyền và nghĩa vụ liên quan;

+ Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Thông tư Thông tư 46/2024/TT-BCA có hiệu lực từ 15/11/2024. 

*Theo Bộ Công an, Thông tư số 67/2019/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an quy định thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (Thông tư số 67/2019/TT-BCA), có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2020 là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện công tác dân chủ; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tuy nhiên, qua hơn 4 năm thực hiện, Thông tư số 67/2019/TT-BCA đã không còn phù hợp với tình hình thực tế, phát sinh nhiều bất cập như:

Việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng Cảnh sát giao thông có lúc, có nơi chưa khách quan, đúng quy định, lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc với cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát giao thông và chia sẻ lên mạng xã hội dẫn đến tư tưởng ngại va chạm, thiếu tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, chiến sỹ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ và ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng Cảnh sát giao thông. Bên cạnh đó, các đối tượng chống đối đã lợi dụng xúi giục người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo đi nhiều nơi gây phức tạp cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. 

Nhận thức và hiểu biết về trách nhiệm của công dân tham gia vào hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người dân chưa đầy đủ nên khó khăn trong việc vận động Nhân dân tham gia ý kiến, thực hiện trách nhiệm thông báo cho cơ quan Công an cũng như tham gia vào hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại địa phương. 

 Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát giao thông chưa chịu khó học tập, nghiên cứu tài liệu, chưa gắn việc thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với việc thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn được giao, do vậy khi làm việc trực tiếp với Nhân dân chưa nắm được pháp luật, nghiệp vụ, dẫn đến quá trình xử lý tình huống chưa giải thích thỏa đáng những yêu cầu, hỏi đáp của Nhân dân. 

 Việc công khai Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính đang bị một số đối tượng lợi dụng để gây khó khăn cho lực lượng Cảnh sát giao thông làm công tác tuần tra, kiểm soát trên đường. 

 Ngoài ra, việc quy định "khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông" còn chưa rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện Thông tư trong thực tế; việc góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân thông qua các mạng xã hội như zalo, facebook, App VneTraffic của cơ quan Công an chưa được quy định.

Vì vậy, việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019/TT-BCA là rất cần thiết.

Khu vực thực thỉ công vụ là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và an ninh, trật tự. Khu vực thực thi công vụ phải tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

T. Hương (Nguồn: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/)