Người dân cần biết cách lựa chọn và xử lý rau củ khi mua về để tránh còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm
Hậu quả khôn lường
Nhiều tài liệu đã chỉ rõ:
Thực tế hiện nay, do người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khá tràn lan, thiếu tính khoa học dẫn đến dư lượng của các loại hóa chất đọng trong các loại rau củ quả vượt quá mức độ cho phép, gây tác hại cho người tiêu dùng khi tiêu thụ các loại nông sản này. Điều đó, gây không ít sự lo lắng cho người tiêu dùng.
Các hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh và kích thích tố được sử dụng cho cây trồng, vật nuôi nhằm thúc đẩy sản xuất và đảm bảo cung cấp đầy đủ thức ăn.
Tuy nhiên, khi sử dụng các hóa chất này vượt hạn mức tối đa cho phép trong thực phẩm, có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe con người, từ những tác động ngắn hạn như đau đầu và buồn nôn đến tác động mạn tính như ung thư, gây tổn hại bộ máy sinh sản và gây rối loạn nội tiết...
Một thực phẩm được xem là không an toàn khi nó có chứa các tác nhân gây hại cho sức khỏe của người sử dụng. Các tác nhân đó gồm tồn dư các thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, phẩm màu độc hại, chất bảo quản, kim loại, kháng sinh cấm hoặc vượt quá giới hạn cho phép, thực phẩm biến chất, các độc tố tự nhiên trong thực phẩm hay các tác nhân sinh học gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm mốc…
Sử dụng thực phẩm không an toàn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Hậu quả sớm là ngộ độc cấp tính. Biểu hiện của ngộ độc cấp tính là các triệu chứng: Đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, do ăn phải thức ăn bị nhiễm các vi sinh vật gây bệnh, hoặc thức ăn bị biến chất trong quá trình bảo quản, chế biến; hoặc các triệu chứng thần kinh như nhức đầu, chóng mặt, đau cơ, khó thở, rối loạn cảm giác… Ngộ độc cấp tính, thường xuất hiện trong vòng 4 - 18 giờ, sau ăn. Những trường hợp nặng, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.
Hiện nay, có rất nhiều thực phẩm không gây hậu quả ngay, nhưng tiềm ẩn hậu quả nặng nề cho người sử dụng. Đó là các thực phẩm nhiễm chất độc hại dưới ngưỡng có thể gây ra các triệu chứng cấp tính, bán cấp tính, nhưng nếu sử dụng kéo dài liên tục, sẽ tích lũy trong cơ thể, đến một thời điểm nào đó, gây ra những bệnh lý nghiêm trọng như ung thư, rối loạn chức năng không rõ nguyên nhân, vô sinh, quái thai… Có thể kể đến đó là những thực phẩm có nhiễm chì, thủy ngân, asen, thuốc bảo vệ thực vật, các độc tố vi nấm như aflatoxin có trong ngô, đậu, lạc mốc...
Rau củ quả tồn dư chất bảo quản thực phẩm - luôn là mối bất an của người tiêu dùng (Ảnh dẫn theo VOV)
Ngoài những hậu quả trực tiếp đối với sức khỏe người dùng, mất an toàn thực phẩm còn tác động xấu đến nhiều mặt khác của đời sống con người. Về kinh tế, thiệt hại chính do các bệnh gây ra từ thực phẩm đối với cá nhân, gồm các chi phí khám bệnh, phục hồi sức khỏe, chi phí do phải chăm sóc người bệnh, sự mất thu nhập do phải nghỉ làm…
Đối với nhà sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đó là những chi phí do phải thu hồi, lưu giữ sản phẩm, hủy hoặc loại bỏ sản phẩm, những thiệt hại do mất lợi nhuận do thông tin quảng cáo… và thiệt hại lớn nhất là mất lòng tin của người tiêu dùng!
Ngoài ra, còn có nhiều thiệt hại khác như phải điều tra, khảo sát, phân tích, kiểm tra độc hại, giải quyết hậu quả…
Hậu quả của thực phẩm không an toàn là rất nghiêm trọng và mỗi người dân cần nhận thức được: Chúng ta cần năng lượng, chất dinh dưỡng từ thực phẩm để duy trì sức khỏe, sự sống và sự phát triển của cơ thể!
Song, không có thực phẩm nào được coi là có giá trị dinh dưỡng và an toàn, nếu nó có chứa các tác nhân độc hại cho sức khỏe.
Vì vậy, mỗi người dân hãy là những người tiêu dùng thông thái, quan tâm đến sức khỏe lâu dài.
Các nhà sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, cần có lương tâm và trách nhiệm, có nhận thức đúng đắn về các nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó làm ra và cung ứng những sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, góp phần xây dựng sự an toàn cho xã hội và an ninh con người.
Một số tác hại nghiêm trọng
- Gây ngộ độc
Khi ăn thực phẩm có thuốc trừ sâu và thuốc kích thích, cơ thể con người có thể bị ngộ độc với các biểu hiện như kích ứng da, tổn thương mắt, hệ thần kinh, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi và thậm chí là ngộ độc toàn thân.
Nếu tiêu thụ những thực phẩm có dư lượng hóa chất độc hại lớn và trong thời gian dài, vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều.
- Gây ung thư
Một số loại thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tồn tại trong thực phẩm, có thể gây đột biến tế bào và gây bệnh ung thư.
Một số loại ung thư phổ biến có liên quan tới tác hại từ thuốc trừ sâu như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, não, xương, tuyến giáp, ruột, gan, phổi…
- Gây vô sinh và sinh con bị khiếm khuyết, dị tật
Khi ăn thực phẩm có thuốc trừ sâu, thuốc kích thích dư lượng hóa chất độc hại, có khả năng phá vỡ hệ nội tiết, hệ thống sinh sản và sự phát triển của phôi thai bằng các kích thích tố gây hại.
Nội tiết gián đoạn có thể gây vô sinh, hoặc hàng loạt dị tật bẩm sinh và các khuyết tật phát triển trong thai nhi, trong đó có sự mất cân bằng nội tiết tố và phát triển giới tính không đầy đủ, sự phát triển của não bộ bị suy giảm, hành vi bị rối loạn cùng nhiều hệ lụy khác.
- Tổn thương hệ thần kinh
Thuốc trừ sâu trong thực phẩm có ảnh hưởng xấu tới hệ thần kinh, đặc biệt là trẻ nhỏ, khi chức năng của não bộ và hệ thần kinh chưa hoàn thiện.
Rất nhiều loại thuốc trừ sâu, thuốc kích thích được tìm thấy trong các loại rau quả như cần tây, đào, dâu, táo, ớt, rau xanh, nho, khoai tây…, đã được kiểm chứng là gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh.
- Bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson là một căn bệnh thường gặp của tuổi già. Tuy nhiên, nếu thường xuyên tiêu thụ thức ăn chứa thuốc trừ sâu và thuốc kích thích, bệnh Parkinson sẽ xảy đến sớm hơn chúng ta tưởng.
Dư lượng hóa chất độc hại này, sẽ phá hủy cấu trúc và những hoạt động bình thường của hệ thần kinh trung ương, gây ra những rối loạn và thoái hóa, làm giảm khả năng vận động, giảm trí lực và sức khỏe của người bị bệnh.
Hình ảnh người bệnh bị Parkinson
- Suy yếu hệ thống miễn dịch
Thuốc trừ sâu và thuốc kích thích tồn tại trong thực phẩm, có thể làm thay đổi hệ thống miễn dịch, khiến cho cơ thể dễ bị bệnh.
Một số nghiên cứu đã chứng minh, thuốc trừ sâu có thể làm giảm lượng tế bào bạch huyết và tế bào lympho chống lại bệnh tật, làm cho cơ thể của họ không tiêu diệt được vi khuẩn và virus.
Các dư lượng hóa chất này, ảnh hưởng đến sự phát triển của lá lách và tuyến ức, 2 cơ quan miễn dịch quan trọng.
- Ảnh hưởng xấu tới sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ
Trẻ em đặc biệt nhạy cảm với các mối nguy hiểm - liên quan đến sử dụng thuốc trừ sâu, vì bộ não chưa được hoàn thiện mà phải tiếp xúc với một số loại thuốc trừ sâu độc hại, sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của hệ thần kinh trung ương…
Hãy là người tiêu dùng thông thái!
Thực phẩm là nguồn cung cấp năng lượng, chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì sức khỏe, sự sống và sự phát triển của cơ thể. Tuy nhiên, thực phẩm cũng có thể là nguồn gốc gây bệnh nguy hiểm và nhiều hệ lụy khác, nếu không đảm bảo an toàn...
- T. Hương(T/h)
- Hương(T/h)