Nỗi lo lắng không thành lời

Chúng ta hãy khoan đề cập đến thiệt hại về vật chất trong vấn nạn sản xuất, buôn bán và lưu hành sách lậu, sách giả, nhất là sách giáo khoa, sách tham khảo… của các nhà xuất bản, mà hãy lên tiếng về những thiệt hại về niềm tin của phụ huynh và thiệt hại khi học sinh tiểu học bị “ghim” vào tiềm thức những lỗi sai (chính tả, từ vững, nghĩa…) do sách giáo khoa giả, lậu… đem lại.

Có rất nhiều lý giải cho nỗi lo lắng, nhiều biện minh cho vấn nạn sách giáo khoa giả, lậu rằng: Sách đó rẻ hơn; đáp ứng đúng thời điểm vào năm học, học sinh cần học; phụ huynh và giáo viên không biết đó là sách giả, sách tham khảo giả, lậu…

Năm nay, Lễ Khai giảng được thực hiện vào sau ngày nghỉ Lễ Quốc khánh, hệ thống trường Trung học, tiểu học, mầm non khai giảng vào các ngày khác nhau theo sự thống nhất của từng địa phương.

Và, năm nào cũng như vậy, cứ vào đầu năm học mới, dù công tác chuẩn bị của ngành giáo dục và phụ huynh đã có từ một, hai tháng trước khai giảng nhưng cứ phải sau khi học sinh học được hàng tháng rồi thì chuyện sách giáo khoa mới tạm thời được ổn định.

Theo khảo sát của Phóng viên Thương hiệu và Công luận thì, năm nay, nhiều học sinh ở địa phương vẫn chờ sách từ trường, trường chờ từ phòng và sở chuyển xuống nên học sinh vẫn học “chay” những ngày đầu.

Lý do phải chờ đợi thì rất nhiều, trong đó có lý giải là sách khan hiếm. Vì, sự lựa chọn của các địa phương, trường… khác nhau về bộ sách nên “còn phải in”… Bởi, hệ thống giáo dục cơ sở giờ có tới tận 4 bộ sách, gồm: Cánh Diều; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục…

Sau khi các trường, địa phương chọn bộ sách, chuyển lên tuyến trên, tổng hợp và gửi ra Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo, sau đó mới có con số cụ thể để in các bộ sách. Muộn là lý do như vậy.

Quy trình xuất bản sách tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Quy trình xuất bản sách tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Và, theo lý giải của nhiều phụ huynh, chuyên gia, những người am hiểu về lĩnh vực này, thì chính cái sự “quá dân chủ” ấy, cho chọn một trong nhiều bộ sách ấy dẫn tới, có bộ sách ít trường đăng ký sử dụng… dẫn tới khan hiếm sách, lâu mới có sách để học và giảng dạy… là cơ hội cho sách lậu hoành hành.

Sách giáo dục giả nếu có sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin… sẽ dẫn đến sai lệch về nội dung (đặc biệt nguy hiểm nếu thiếu đường nét biên giới, vấn đề biển đảo), kiến thức tiếp nhận của học sinh.

Những sai sót về nội dung thực tế ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, tiềm thức của học sinh tiểu học. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thu, ở Bắc Giang bày tỏ: Sách giáo khoa giả in sai chính tả, sai ngữ pháp, khi học, giáo viên hướng dẫn, dạy đúng, một số học sinh phát hiện lệch với sách giáo khoa, thắc mắc với phụ huynh là cô giáo dạy sai, sách giáo khoa viết đúng.

“Với học sinh tiểu học, nhất là học sinh lớp 1, các em không hiểu thế nào là sách giả, sách lậu nên khi giải thích cho các em, bản thân cô giáo phải vận dụng rất nhiều cách trình bày, lời lẽ… nhằm để các em hiểu, đó là lỗi trong in ấn chứ không liên quan đến vi phạm pháp luật…”, cô Thu bộc bạch. Những thiệt hại trên là không thể đong đếm.

Với những sách in bị mờ, không đảm bảo quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thể chất của học sinh, nhất là về thị lực.

Sách giáo dục giả nếu có sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin… (Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)
Sách giáo dục giả nếu có sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin… (Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)

Số liệu biết nói

Theo thống kê sơ bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN), từ năm 2010 đến nay đã có trên 37 triệu bản sách giáo dục và hơn 18 tấn bán thành phẩm sách giáo dục in lậu dở dang đã bị phát hiện và xử lý tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Các cơ quan chức năng (bao gồm: Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra ngành Thông tin truyền thông và Đội liên ngành phòng chống in lậu) đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra và phát hiện các hành vi in lậu, phát hành sách giáo khoa giả nổi cộm trong cả nước. Một số vụ việc đáng chú ý đã được phát hiện như:

Trước đó, tháng 6/2021, Bộ Công an triệt phá vụ án do Cao Thị Minh Thuận (trú ở Hà Nội) cầm đầu, bắt giữ tại chỗ hơn 3 triệu cuốn Sách giáo dục giả, mở rộng điều tra vụ án, cơ quan chức năng đã bắt giữ nhiều đối tượng cùng sản xuất và tiêu thụ sách giả, các đối tượng khai đã sản xuất và tiêu thụ hơn 9 triệu cuốn sách giả (vừa qua Tòa án đã tuyên nhiều bản án rất nghiêm khắc với các đối tượng vi phạm).

Gần đây nhất, vào tháng 6/2024, Công an TP. Đà Nẵng đã triển khai chuyên án SGK-192, triệt xóa đường dây chuyên sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả quy mô lớn tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Cơ quan Công an đã thu giữ 1 triệu con tem, 600.000 cuốn sách giả thành phẩm và bán thành phẩm trị giá khoảng 12 tỷ đồng; toàn bộ máy in, máy cắt, máy đóng kim, máy may chỉ, máy dán keo, xe ô tô, bản kẽm, giấy in...; đồng thời tạm giữ hình sự các nghi phạm liên quan để tiếp tục điều tra mở rộng, các đối tượng đã khai trong 2 năm qua đã tiêu thụ 4 triệu cuốn sách giả và cơ quan chức năng tiếp tục xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thưởng nóng ban chuyên án (Ảnh: Đ.CƯỜNG)
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thưởng nóng ban chuyên án (Ảnh: Đ.CƯỜNG)

Ngoài ra, từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ sách giả tại: Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang, Quảng Ngãi, Quảng Bình; đã thu giữ hàng trăm ngàn cuốn sách giả và hiện nay đang tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý nghiệm các đối tượng vi phạm.

Bài 2: Sách giáo khoa giả, lậu len lỏi vào đời sống xã hội như thế nào?

Hoàng An