Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tài nguyên thiên nhiên có chiều hướng suy thoái, trong khi đó các cộng đồng địa phương - những người phụ thuộc nguồn sinh kế vào tài nguyên thiên nhiên địa phương - bị hạn chế tiếp cận và sử dụng những tài nguyên này. Do vậy, cần xem xét có những giải pháp tổ chức thực hiện khác, nhất là các giải nhấn mạnh vào vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc giám sát, quản lý và chia sẻ các giá trị tài nguyên thiên nhiên.
Tại Việt Nam, suy thoái tài nguyên nước được thể hiện khá rõ nét. Việc khai thác quá mức nguồn nước, đặc biệt là xây dựng các công trình hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện chặn hoàn toàn dòng chảy sông là nguyên nhân làm suy giảm rõ rệt số lượng và chất lượng nước trên lưu vực các sông lớn như: sông Hồng, Đồng Nai, Sài Gòn, Gia Vu, Thu Bồn, Ba, Sêrêpok ...
Do tập quán, thói quen sản xuất, canh tác nông nghiệp sử dụng nhiều nước của nhân dân nhưng lại thiếu các biện pháp hợp lý giữ, trữ nước trong mùa mưa lũ để dùng dần trong mùa khô nên thường xuyên phải đối phó với tình trạng thiếu nước vào mùa khô ở nhiều nơi.
Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia “thiếu nước” do lượng nước mặt bình quân đầu người mỗi năm chỉ đạt 3.840m3, thấp hơn chỉ tiêu 4.000m3 một người mỗi năm của Hội Tài nguyên Nước quốc tế (IWRA). Đây được xem là một nghịch lý đối với một quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc như nước ta.
Bên cạnh đó, theo Tổng cục Lâm nghiệp, độ che phủ của rừng nước ta đã giảm sút đến mức báo động: Trước năm 1945, nước ta có 14 triệu ha rừng, chiếm hơn 42% diện tích tự nhiên của cả nước. Năm 1975 diện tích rừng chỉ còn 9,5 triệu ha (chiếm 29%), đến nay chỉ còn khoảng 6,5 triệu ha (tương đương 19,7%). Chất lượng rừng ở các vùng còn rừng bị hạ xuống mức quá thấp.
Trên thực tế chỉ còn khoảng 10% là rừng nguyên sinh. Chỉ trong 05 năm, 2006 - 2011, 124.000 ha rừng ngập mặn ven biển đã biến mất để nhường chỗ cho các ao tôm, ao cá - tương đương diện tích bị mất trong 63 năm trước đó.
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức Đối thoại chính sách cấp cao về Hợp tác Quản lý Bền vững Tài nguyên Thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen đồng chủ trì.
Phát biểu tại Đối thoại, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định Tài nguyên thiên nhiên vẫn có chiều hướng suy thoái, trong khi đó các cộng đồng địa phương - những người phụ thuộc nguồn sinh kế vào tài nguyên thiên nhiên địa phương - bị hạn chế tiếp cận và sử dụng những tài nguyên này. Do vậy, cần xem xét có những giải pháp tổ chức thực hiện khác như “hợp tác quản lý”/ “đồng quản lý”, “Quản lý cộng đồng” để nhấn mạnh vào vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc giám sát, quản lý và chia sẻ các giá trị tài nguyên thiên nhiên.
Chia sẻ tại Đối thoại, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết: “Để duy trì tăng trưởng lâu dài, Việt Nam cần hướng tới đầu tư, duy trì, và tái tạo nguồn lực tự nhiên mà người dân, cộng đồng và nền kinh tế đang phụ thuộc vào. Chính phủ sẽ cần sự tham gia và hỗ trợ của cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân.
Để đạt được mục tiêu này, cần trao quyền và tăng cường hơn nữa vai trò của cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân trong đồng quản lý nguồn lực tự nhiên và chia sẻ lợi ích, cũng như lồng ghép cách tiếp cận này trong trong các kế hoạch phát triển và quy trình lập và phân bổ ngân sách. Từ đó có thể đặt nền móng cho việc nhân rộng hiệu quả các mô hình đồng quản lý tài nguyên thành công cho sản xuất nông nghiệp và sinh kế bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, và thu giữ carbon.”
Đối thoại đã thu hút đông đảo sự tham gia trực tiếp và trực tuyến qua nền tảng zoom của đại biểu là đại diện của các bộ, ban, ngành của Trung ương và sự tham gia của cả 63 tỉnh, thành trên cả nước, các viện nghiên cứu, hiệp hội, các tổ chức xã hội dân sự, các đối tác, đại diện khu vực tư nhân, hội nông dân tại Việt Nam, các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế.
Hà Trần