Cổ phần hóa, thoái vốn là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN. Kết quả công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.
Tuy nhiên, hạn chế cơ bản trong cổ phần hóa, thoái vốn, đó là tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, phê duyệt phương án cơ cấu lại chậm, không đạt được theo kế hoạch đã đề ra; Chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần; Chậm bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC), chưa đảm bảo kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Tổng công ty Phân bón và Hoá chất dầu khí- CTCP tình trạng thoái vốn tại đơn vị này diễn ra khá ì ạch, không đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tại văn bản số 1182/TTg-ĐMDN ngày 11/08/2017 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ký đã phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020. Cụ thể, từ 2017- 2018, giảm tỷ lệ nắm giữ tại Tổng công ty Phân bón và Hoá chất dầu khí- CTCP từ 61,3% xuống 51% vốn điều lệ.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Tập đoàn báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tỷ lệ thoái vốn tại 2 doanh nghiệp này đảm bảo đến năm 2020 chỉ nắm giữ 36% vốn điều lệ và PVN đã tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Đề án. Theo đó, PVN sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ tại PVCFC (75,56% vốn điều lệ) và PVFCCo (61,38% vốn điều lệ) xuống còn 36% giai đoạn 2018 – 2020.
Tại Tổng công ty Phân bón và Hoá chất dầu khí- CTCP tình trạng thoái vốn tại đơn vị này diễn ra khá ì ạch
Tuy nhiên, đến nay đã gần hết Quý I/2020, việc tiến hành thoái vốn tại PVFCCo vẫn chưa được tiến hành. Theo ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty CP Vật tư Nông nghiệp Nghệ An (Agrimex Nghệ An), là một trong những cổ đông tại PVFCCo cho biết, việc Tập đoàn PVN đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án thoái vốn để làm chậm và kéo dài thời gian thoái vốn Nhà nước tại PVFCCo.
Theo ông Hiền, tại các Đại hội cổ đông trong những năm qua của PVFCCo, trước thực trạng công tác quản lý yếu kém làm suy giảm nghiêm trọng giá trị cổ phiếu DPM, thất thoát vốn Nhà nước, vốn của các nhà đầu tư khác tại PVFCCo, công ty Agrimex Nghệ An đã có nhiều ý kiến đề nghị HĐQT PVFCCo về việc đẩy nhanh tiến độ thoái vốn Nhà nước tại PVFCCo. Mặc dù đã có ý kiến của cổ đông nhưng HĐQT PVFCCo chưa có văn bản nào xin ý kiến đại hội cổ đông về chủ trương thoái vốn Nhà nước.
“Với tư cách là một cổ đông, chúng tôi nhận thấy việc chậm thoái vốn nhà nước tại PVFCCo kéo dài thì dẫn đến việc tiếp tục thất thoát tài sản của Nhà nước, tài sản của các nhà đầu tư vì công tác quản lý của Ban điều hành PVFCCo có quá nhiều sai phạm và yếu kém”, ông Hiền cho hay.
Để minh chứng công tác quản lý yếu kém làm suy giảm nghiêm trọng giá trị cổ phiếu DPM, thất thoát vốn Nhà nước, vốn của các nhà đầu tư khác tại PVFCCo, ông Trương văn Hiền Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Agrimex Nghệ An đã đưa ra nhiều dẫn chứng, cụ thể:
Thời điểm mã chứng khoán DPM niêm yết giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán, giá cổ phiếu bình quân là 80.000 đồng/cổ phiếu (2007). Thời điểm trước khi phát hành cổ phiếu ESOP, giá cổ phiếu bình quân của PVFCCo (mã cổ phiếu DPM) là 35.000 đồng/năm. Sau khi phát hành cổ phiếu ESOP với số lượng 11400.000 cổ phần phát hành vào tháng 2/2016, giá cố phiếu DPM liên tục giảm và giảm mạnh vào thời điểm cổ đông sở hữu cổ phiếu ESOP được tự do chuyển nhượng sau thời hạn ràng buộc 01 năm kể từ ngày phát hành.
Đơn tố cáo của một trong những cổ đông tại PVFCCo tố cao sai phạm đối với ông Lê Cự Tân, Tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí
Năm 2018, 2019 giá cổ phiếu DPM xuống dốc nghiêm trọng. Lý giải về nguyên nhân chính ảnh hưởng trực tiếp đến sự suy yếu giá cổ phiếu DPM trên thị trường những năm gần đây chính là hiệu quả kinh doanh sụt giảm. Ngoài ra, theo ông Hiền, hiện nay các nhà đầu tư đang thực sự lo lắng và e ngại trước thực trạng chi phí và tỷ suất đầu tư của 2 tổ hợp dự án NPK Phú Mỹ và dự án nâng công suất NH3 cao nhưng không hiệu quả.
Trở lại câu chuyện PVFCCo mặc dù đã được cổ phần hóa nhưng có tỷ lệ vốn sở hữu nhà nước chi phối (nhà nước đang sở hữu 60%) nên việc cổ phần hóa ở đây chỉ như “bình mới rượu cũ”. Theo người đại diện Agrimex Nghệ An, thì PVFCCo chưa có sự thay đổi về chất, toàn bộ thành viên Hội đồng quản trị và bộ máy điều hành, nhân sự quản lý đều là người do Tập đoàn PVN chỉ định cho nên sẽ không có sự thay đổi về tư duy quản lý cũng như cách điều hành.
“Nếu không nhanh chóng thoái vốn tại PVFCCo thì nguy cơ thất thoát vốn nhà nước sẽ ngày càng gia tăng và gây thiệt hại lớn cho nhà nước và các cổ đông đã đầu tư vào PVFCCo”, ông Trương Văn Hiền lo lắng.
Nhằm “trị bệnh” chần chừ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp - CIEM Phạm Đức Trung đề xuất: "Nếu cổ phần hóa chậm, không chỉ xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp, mà phải xử lý cả người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu. Thêm vào đó, cần đẩy mạnh việc bán cổ phần nhà nước cho nhà đầu tư bên ngoài để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển”…
Ngọc Linh