Phát hiện thi thể của anh Cường tử vong dưới đập tràn Đắk Na
Sau khi tiến hành công tác khám nghiệm, cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân anh Lê Xuân Thế Cường tử vong là do đuối nước, lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn đã đưa thi thể anh Cường về nhà mai táng.
Di ảnh anh Lê Xuân Thế Cường
Theo báo cáo của VQG Yok Đôn gửi tới Tổng cục Lâm nghiệp, trong ca trực ngày 31/3 của Chốt Đắk Na - Trạm Kiểm lâm Đắk Na được phân công, gồm 3 người: Nguyễn Văn Hiệt, Lục Văn Nam và Lê Xuân Thế Cường với nhiệm vụ được giao là bảo vệ rừng.
Anh Hiệt và anh Nam đi tuần tra, anh Cường được giao nhiệm vụ ở nhà trực chốt. Đến 9h sáng, anh Vũ Thanh Sơn (Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Đắk Na) đã cùng anh Đặng Ngọc Hiên vào kiểm tra chốt nhưng không thấy có ai, mọi người tỏa đi các hướng tìm kiếm thì phát hiện ra một số vật dụng như đôi dép, điện thoại và thùng xốp để trên mặt đập tràn Đắk Na (thuộc Tiểu khu 483 của VQG Yok Đôn).
Sau đó, anh Sơn và anh Hiên đã phát hiện thi thể của anh Cường tử vong dưới đập tràn Đắk Na, đã nhanh chóng báo cáo với lãnh đạo VQG.
Lúc đưa thi thể anh Cường lên bờ, trên người anh còn đeo bình ắc quy có cần tre nối với dây điện. Đây là dụng cụ của chốt Đắk Na.
VQG Yok Đôn đã cử lực lượng kiểm lâm đưa thi thể anh Cường về nhà và hỗ trợ toàn bộ chi phí mai táng cho gia đình.
Những dấu hiệu đáng nghi?
Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Tuyết Vân (mẹ anh Cường), khi biết tin con mình gặp nạn, bà Vân đến nơi thì nhìn thấy bên mạng sườn của con có nhiều vết bầm tím, nghi do bị đánh.
Bà con đến chia buồn, viếng đám tang anh Cường...
Bà Vân còn cho phóng viên Thương hiệu & Công luận biết, anh Cường không biết chích điện bắt cá, cũng không biết bơi, con trai bà mới được nhận vào làm hợp đồng tại vườn, nhưng đã bắt được rất nhiều đối tượng phá rừng và nghi ngờ Cường đã bị hãm hại, trả thù.
Được biết, nơi được xác định tìm thấy thi thể anh Cường, có độ sâu 5 - 6 m. Bà Vân đặt giả thiết, con bà không biết bơi nên không thể dám lội xuống nước để chích cá. Thời tiết sáng 31/3 khô ráo, không thể có khả năng anh Cường bị điện giật khi đứng trên mặt đập. Phải có tác động nào đó mới có thể ngã xuống nước. Hoặc bị đánh chết rồi vất xuống nước, tạo hiện trường giả.
"Sự thật chưa được làm rõ, nhưng không biết trách nhiệm của lãnh đạo kiểm lâm VQG Yok Đôn đến đâu, khi để nhân viên của mình gặp nạn? Trong khi lâm tặc ngày càng lộng hành, sẵn sàng cướp đi tính mạng của những người bảo vệ rừng?", bà Vân đau đớn nói.
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Lưu Bình - Cao Cường