Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp và trở thành một trong những hình thức gian lận thương mại phổ biến tại Việt Nam. Để đánh lừa người tiêu dùng, phương thức, thủ đoạn này ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi và biến đổi liên tục.
Không chỉ người dân, các nhãn hàng cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nhãn hàng càng phổ biến thì càng bị làm giả nhiều, từ máy tính, điện thoại, xe máy cho đến hàng tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm.
Nhiều nhãn hiệu có tên tuổi hiện bị xâm phạm dưới các hình thức như sao chép, bắt chước kiểu dáng, mẫu mã gần giống hoặc tương tự, gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng và làm tổn hại đến giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.
Không khó để mua được những phụ tùng xe máy mang các thương hiệu lớn ở các cửa hàng mua bán bán đồ phụ tùng. Từ má phanh, dây cu roa, đến mặt nạ xe, thứ gì cũng được bày bán kèm với lời khẳng định là hàng chính hãng.
Bởi vậy, bên cạnh việc triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn thì làm thế nào để giúp người tiêu dùng có thể phân biệt rõ thật, giả đang là một trong những nỗ lực của các lực lượng chức năng.
Thực hiện Công văn chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa về việc xử lý thông tin về dấu hiệu vi phạm pháp luật, ngày 9/5/2024 Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp cùng công ty Luật TNHH Phạm & Liên danh tiến hành kiểm tra đối với Hộ kinh doanh Lê Đình Hoàng, địa chỉ xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm đã phát hiện hơn 90 sản phẩm gồm: Mặt nạ HONDA; Giắc vòi xăng; Công tắc YAMAHA; Bóng đèn pha YAMAHA; Cốc lọc dầu YAMAHA có dấu hiệu là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu của hãng HONDA, YAMAHA. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Vụ việc đang được tiếp tục xác minh, làm rõ.
Hoài Thu