Theo Bộ GD-ĐT, thời gian qua trên thị trường có tình trạng xuất bản phẩm, đặc biệt là sách giáo dục bị làm giả, nhiều vụ việc vi phạm trong vấn đề sản xuất, tiêu thụ sách giáo dục giả tại một số địa phương được cơ quan chức năng phát hiện.
Thực trạng này ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, tác động xấu tới lòng tin của giáo viên, học sinh và phụ huynh, làm giảm uy tín của các đơn vị xuất bản, các tác giả có sách bị làm giả, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Ảnh minh họa
Vấn đề này trở thành mối lo lắng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh, làm ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các đơn vị xuất bản, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Để bảo vệ quyền lợi của học sinh, giáo viên, đơn vị xuất bản, Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Công thương đưa nội dung công tác phòng, chống sản xuất, tiêu thụ xuất bản phẩm giáo dục giả vào kế hoạch công tác phòng, chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hằng năm để bảo đảm triển khai hiệu quả, kịp thời.
Trước đó, lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đơn vị xuất bản phần lớn sách giáo dục trên thị trường đã có văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ GD-ĐT về tình trạng sách giáo dục bị làm giả ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nhiều hệ lụy nguy hại, nhất là trong thời điểm cung ứng sách giáo dục phục vụ năm học 2020-2021 chuẩn bị vào giai đoạn cao điểm.
Hoan Nguyễn