Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng 726 đồng, lên ngưỡng mới là 24.197 đồng/lít; xăng RON95-III là 25.748 đồng/lít, tăng 877 đồng/lít; dầu diesel tăng 539 đồng/lít, giá mới là 23.594 đồng/lít; dầu hỏa tăng 628 đồng/lít, lên 23.816 đồng/lít và dầu mazut là 17.847 đồng/kg, tăng 143 đồng.
Về quỹ bình ổn, liên bộ quyết định không trích lập quỹ đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Ở chiều ngược lại, không chi sử dụng quỹ bình ổn đối với dầu mazut (kỳ trước chi 27 đồng/kg); chi sử dụng Quỹ bình ổn đối với 2 mặt hàng xăng, dầu diesel, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước xăng E5RON92 chi 22 đồng/lít, xăng RON95 chi 14 đồng/lít, dầu và dầu hỏa không chi).
Bộ Công Thương cho hay, thị trường xăng dầu thế giới trong kỳ điều hành lần này chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: lo ngại về nguồn cung xăng dầu thắt chặt sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) sẽ tiếp tục thắt chặt thị trường trong mùa đông, triển vọng nhu cầu ở Trung Quốc không như mong đợi do tốc độ phục hồi kinh tế chậm chạp, tình hình lạm phát của nền kinh tế thế giới...
Theo đại diện Bộ Công Thương, phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới.
Cùng với đó, liên bộ tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học theo chủ trương của Chính phủ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Do vậy, các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu trước kỳ điều hành ngày 21/9 có biến động tăng, giảm nhẹ đan xen.
Như vậy, từ đầu năm đến nay giá xăng đã trải qua 26 lần điều chỉnh, trong đó có 16 lần tăng, có 6 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.
Lê Nam (T/h)